Bồi đắp, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng

08:43 - Thứ Sáu, 03/02/2017 Lượt xem: 2313 In bài viết
Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (gọi tắt là Nghị quyết) đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước.

Để phòng, chống, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thành công, Nghị quyết đã xác định rõ 4 nhóm giải pháp (công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội). Vấn đề mang tính chất quyết định là quyết tâm chính trị và hành động cụ thể của từng cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và từng đảng viên trong toàn Đảng, vì mục tiêu cao nhất là “Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng” (Trích Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII).

Bồi đắp, củng cố niềm tin bằng cách nào? Chỉ bằng cách tăng cường sức chiến đấu của Đảng, như tinh thần Di chúc của Người đã căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.504.).

Niềm tin của Dân không tự dưng mà có. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng không chỉ phụ thuộc vào sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng và việc thực hiện đường lối, chủ trương đó trong thực tế. Niềm tin của Nhân dân phụ thuộc chủ yếu vào hành động và cuộc sống của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu, người lãnh đạo. Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến, quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.1021). Người cán bộ, đảng viên phải nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm thì mới thuyết phục, lôi cuốn được, vận động được đông đảo người dân cùng tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương, đơn vị.

Trách nhiệm để tạo dựng niềm tin đó, hôm nay, chính là của từng cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay đối với các cấp ủy Đảng, từng đảng viên là phải thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ đó củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân trong thời kỳ mới.

Có thể nói, tăng cường mối quan hệ mật thiết với Nhân dân là con đường cơ bản và ngắn nhất để nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Cán bộ, đảng viên có gần Dân, sát Dân, hiểu và lo cho Dân, phục vụ Dân; đồng thời, Dân tin yêu, giám sát cán bộ đảng viên, thì mới có thể ngăn ngừa có hiệu quả sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị, mới hạn chế tình trạng phai nhạt lý tưởng cách mạng trong đội ngũ; để phòng và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ một cách thường xuyên, liên tục, kiên quyết. Chỉ có như vậy mới đẩy lùi các nguy cơ trong Đảng, bảo đảm cho Đảng vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức.

Chỉ khi càng nhiều cán bộ, đảng viên được Nhân dân tin tưởng, thì niềm tin của Dân dành cho Đảng mới càng lớn. Mà trong đó, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ góp phần quan trọng, quyết định sự thành công của cuộc đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cuộc đấu tranh đó, cần được thực hiện ở tất cả các cấp ủy Đảng, “không trừ một ai, dù là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị hay một công dân bình thường luôn phải tự vấn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, luôn phải biết tự hổ thẹn với lương tâm về đạo lý làm người! Không trừ một ai, ở bất kỳ cấp nào, có việc làm hại cho dân cho nước, làm nhân dân bất bình, nếu đạo lý, lương tâm không đủ thức tỉnh, răn đe thì pháp lý phải được triệt để áp dụng” - như đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, đã từng nhấn mạnh.

Chỉ có như vậy, Nhân dân mới luôn đi theo Đảng.

Chỉ có như vậy, niềm tin yêu của Dân với Đảng mới càng được vun bồi!

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top