Thắp sáng ngọn lửa cải cách

14:20 - Thứ Hai, 06/02/2017 Lượt xem: 2231 In bài viết
Năm 2016, với những nỗ lực cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, một kỷ lục mới được thiết lập: trên 110.000 doanh nghiệp (DN) mới tham gia thị trường. Theo đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), số lượng DN đăng ký mới có xu hướng tăng cao, đặc biệt kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành. Việc thực thi Luật Doanh nghiệp với yêu cầu rút ngắn thời gian đăng ký DN còn 3 ngày đã được thực hiện tốt. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ sử dụng phương thức đăng ký DN qua mạng, theo nội dung Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ.

Trong năm qua, Bộ KH-ĐT đã thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký DN cũng như tình trạng hồ sơ DN trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký DN để cộng đồng được biết, cập nhật việc xử lý hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh. Cũng từ đầu năm 2016, Chính phủ đã nhấn mạnh thông điệp về xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động phục vụ DN”. 

Cùng với đó là hàng loạt các chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, nhất quán từ Trung ương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN, khuyến khích khởi nghiệp. Sự ra đời của Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ công, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa. Tinh thần cải cách và những hành động cụ thể của Chính phủ thực sự đã tác động lan tỏa, được cộng đồng đón nhận, hưởng ứng tích cực.

Cải cách và đổi mới luôn là những chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và quan trọng là sự vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Dù đã đạt được những kết quả bước đầu, môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự thay đổi khá tốt trong thời gian qua, song so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN, khoảng cách vẫn còn khá lớn.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhìn về năm 2017, DN vẫn đang gặp hàng loạt khó khăn, từ khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất cao so với các nước, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng hạ tầng kém, cho đến các vướng mắc và khó khăn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan hay xuất nhập khẩu…

Khác với nhiều nước, các DN Việt Nam vẫn phải nặng gánh các khoản chi trả không chính thức, gặp phải tình trạng nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, nếu nhìn vào các thách thức trong năm 2017 mà DN Việt Nam có thể phải đối mặt như sự trắc trở trong TPP, sự chuyển dịch của dòng thương mại toàn cầu dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và cả biến đổi khí hậu, có thể thấy năm 2017 chưa phải là một năm thuận lợi, dù cơ hội mở ra không nhỏ.

Chính vì thế, trong năm 2017 DN Việt Nam vẫn cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ hơn của Chính phủ để cải thiện năng lực cạnh tranh. Chính phủ kiến tạo không chỉ thiết kế luật chơi mà cần phải dẫn dắt, định hướng sự phát triển. Điều đáng mừng là đến nay, tinh thần cải cách, hỗ trợ từ Chính phủ vẫn tiếp tục được lan tỏa từ Trung ương tới địa phương, góp phần lành mạnh hóa, minh bạch hóa môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin của cộng đồng DN.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong năm 2017 ngọn lửa cải cách, đổi mới và sáng tạo sẽ tiếp tục được thắp sáng bởi cơ quan chủ lực trong điều hành vĩ mô là Bộ KH-ĐT. Các quy định về cơ chế liên thông trong đăng ký DN và đăng ký đầu tư sẽ sớm được thông qua, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng, đơn giản tại một đầu mối.

Đặc biệt, từ 1-1-2017, DN được miễn phí hoàn toàn lệ phí đăng ký DN khi thực hiện đăng ký qua mạng. Đây là một điểm sáng chính sách nhằm khuyến khích người dân, DN chủ động tìm hiểu, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, góp phần làm giảm thời gian, chi phí DN. Với những nỗ lực này, môi trường đầu tư kinh doanh trong năm 2017 hứa hẹn sẽ tiếp tục được cải thiện, khơi thông rộng hơn các dòng vốn đầu tư xã hội, tối ưu hóa nguồn vốn đăng ký của DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tất nhiên, về phía DN cũng phải nỗ lực nhiều hơn, nâng cấp mình lên theo các chuẩn mực toàn cầu, trở thành một lực lượng mạnh mẽ, có thực lực, xứng đáng là động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển của đất nước.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top