Lợi ích và trách nhiệm

15:26 - Thứ Ba, 14/02/2017 Lượt xem: 2804 In bài viết
Lãnh đạo một quốc gia có rất nhiều điểm khác biệt với việc quản trị một doanh nghiệp. Có lẽ, trong cuộc chiến pháp lý đang diễn ra ngay giữa lòng nước Mỹ, tân Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) đã bắt đầu cảm nhận được một cách rõ ràng về điều đó.

Một “cứ điểm” phòng ngự đã được thiết lập, khi Bộ Tư pháp Mỹ lên tiếng bảo vệ lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của Nhà trắng (đối với tất cả người tị nạn và công dân đến từ bảy nước có đa số công dân là tín đồ Hồi giáo). Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá rằng lệnh cấm này không phải là một sắc lệnh cấm người Hồi giáo mà “là một sự thực thi quyền hạn hợp pháp của Tổng thống”, và kêu gọi tòa phúc thẩm khôi phục lệnh này “vì lợi ích an ninh quốc gia”.

Rõ ràng, Đ.Trăm không đơn độc. Đương kim Tổng thống Mỹ, khi bị công kích dữ dội bởi búa rìu dư luận và bị ngáng trở bởi những phương thức pháp lý, vẫn có những chỗ dựa cho riêng mình. Ông vẫn có thể tự tin hành động một cách quyết liệt hơn nữa, vì khẩu hiệu đã cùng ông chiến thắng trong chiến dịch bầu cử cuối năm ngoái: “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make America great again)”.

Rất nhiều người Mỹ tin vào điều đó. Rất nhiều người Mỹ ủng hộ một vị nguyên thủ đặt lợi ích quốc gia riêng của nước Mỹ lên trên tất cả. Và lệnh cấm tạm thời (nhằm sàng lọc, đánh giá, siết chặt các quy định nhập cảnh - nhập cư) đang chia rẽ nước Mỹ là một trong những phương tiện phục vụ mục tiêu ấy, theo cách nhìn của họ.

Tổng thống mới đắc cử có đầy đủ lý do để làm như vậy. Đầu tiên, bất cứ ai và bất cứ quốc gia nào cũng sẽ đặt lợi ích của riêng mình lên cao nhất. Thứ hai, đó là một lời hứa cần phải được thực hiện, nhằm củng cố uy tín của ngài Đ.Trăm cũng như niềm tin của những người ủng hộ đặt vào ông. Thứ ba, quả thật, trong suốt những năm qua, nước Mỹ đã quá mệt mỏi với khá nhiều gánh nặng, về cả ngoại giao lẫn nội trị. Đó cũng chính là một nguyên nhân khiến trạng thái chia rẽ liên tục xuất hiện, từ những lần “chiến tranh tài chính” khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tới diễn biến vô tiền khoáng hậu của cuộc bầu cử vừa kết thúc.

Song, trong thế giới hiện đại, không quốc gia nào có thể bảo đảm được vị thế, tiềm lực cũng như tầm ảnh hưởng của mình, khi bằng lòng với chủ nghĩa biệt lập mang màu sắc cực đoan. Huống gì, nước Mỹ luôn tự đặt cho mình sứ mệnh “lãnh đạo thế giới”, và thật sự là một siêu cường có thể tác động sâu sắc đến những vận động mang tính toàn cầu.

Sau một khoảng lặng chờ đợi (từ khi ngài Đ.Trăm đắc cử đến lúc ông chính thức tiếp nhiệm), thế giới hiện vẫn đang tiếp tục quan sát kỹ lưỡng những biến chuyển ở Oa-sinh-tơn (Washington). Mọi hành động của ông chủ Nhà trắng, theo cách này hay cách khác, đều mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó, về cách mà nước Mỹ sẽ hành xử trong bốn năm tới.

Nói một cách ngắn gọn, lúc này, tân Tổng thống Mỹ đang phải đối diện với một sự xung đột gay gắt, giữa lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc tế. Nếu không thể tìm thấy điểm cân bằng thông qua những cách xử lý khéo léo, ông hoàn toàn có thể khơi bùng lên thêm ngọn lửa thù hận từ cộng đồng Hồi giáo (ở sự việc này). Mới đây thôi, ngày đầu nhậm chức, ông cũng đã từng khiến hàng loạt “bạn bè” (bao gồm cả một quốc gia thân hữu như Nhật Bản) phải chật vật tìm cách xoay xở, với việc tuyên bố “bỏ rơi” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thế giới cần những cam kết được thực thi và bảo vệ. Và bên cạnh đó, không chắc, những bức tường (hữu hình và cả vô hình) đã thật sự là điều tốt cho quốc gia mà ngài Đ.Trăm lãnh đạo. Cũng mới đây thôi, việc 100 doanh nghiệp hàng đầu (bao gồm cả những tập đoàn khổng lồ như Apple, Google, Microsoft...) cùng đệ đơn lên tòa phúc thẩm phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời - vì ảnh hưởng xấu đến các kế hoạch kinh doanh của họ - đã đủ là một lời cảnh báo đầy sức nặng.

Ngay cả vì lợi ích riêng, nước Mỹ cũng không nên chỉ đứng một mình, từ chối trách nhiệm của một cường quốc, theo một cách hơi thiếu sự bao dung...

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top