Xung quanh việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lựa chọn ứng cử viên Ngoại trưởng Mỹ

08:54 - Thứ Năm, 16/02/2017 Lượt xem: 3337 In bài viết
Ngày 13/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lựa chọn Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia của Mỹ ExxonMobil - ông Rex Tillerson vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ.

Giới chuyên gia nhận định động thái này cho thấy Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ áp dụng những chính sách mềm mỏng hơn và đã phần nào cho thấy một “tầm nhìn” hướng tới mục tiêu cải thiện các mối quan hệ với Nga.

 

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia của Mỹ ExxonMobil - ông Rex Tillerson.

Ông Tillerson, 64 tuổi và đã có thâm niên hơn 40 năm làm việc cho ExxonMobil. Những cống hiến và năng lực của ông đã được ghi nhận khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí này từ năm 2006.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 13/12, Tổng thống đắc cử của Mỹ đã ca ngợi ông Tillerson là “một trong số những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài năng nhất và có năng lực thương thuyết hàng đầu trên thế giới”. Ông Trump tin tưởng Chủ tịch ExxonMobil Tillerson sẽ là người ủng hộ mạnh mẽ và khôn ngoan cho các lợi ích quốc gia quan trọng của Mỹ và giúp đảo ngược những chính sách và hành động ngoại giao "sai lầm" đã làm suy yếu an ninh và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế suốt nhiều năm qua.

Cùng ngày, ông Tillerson đã ra tuyên bố tỏ rõ “sự vinh dự” khi được lựa chọn vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ và có thể chia sẻ những tầm nhìn của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong mục tiêu khôi phục sự tin cậy trong các mối quan hệ đối ngoại cũng như thúc đẩy an ninh quốc gia Mỹ.

Ông Tillerson – một lựa chọn thể hiện tầm nhìn cải thiện quan hệ với Nga của ông Trump?

Không chỉ là một doanh nhân tài năng, ông Tillerson còn được biết đến là người có các mối quan hệ gần gũi với Nga. Trong nhiều năm qua, Tập đoàn ExxonMobil đã hợp tác với tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga để tiến hành nhiều dự án khai thác ở Bắc Cực, Biển Đen và vùng Siberia. Tờ Thời báo phố Wall cho biết, dưới vai trò điều hành của ông Tillerson đã đàm phán thành công một thương vụ lớn với Nga trong lĩnh vực năng lượng, với trị giá ước tính có thể lên tới hơn 500 tỷ USD.

Năm 2013, chính phủ Nga đã trao tặng ông Tillerson Huân chương Hữu nghị, vinh dự cao nhất của Nga dành cho một người nước ngoài.  Trong khi đó, truyền thông Mỹ cũng nhận định ông Tillerson là người theo đuổi lập trường phản đối việc Mỹ và châu Âu gây sức ép lên Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua các biện pháp trừng phạt.

Chính vì thế, việc ông Tillerson được bổ nhiệm làm người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được nhìn nhận là một diễn biến sẽ mang lại những thay đổi “to lớn” trong quan hệ giữa Moscow và Washington. Ông James Jatras – nguyên là một nhà phân tích chính sách đối ngoại trong Thượng viện Mỹ, ngày 13/12 cho rằng: “Việc ông Trump lựa chọn ông Tillerson giữ vị trí Ngoại trưởng cho thấy Tổng thống đắc cử Mỹ đang theo đuổi một ý tưởng rõ ràng về mục tiêu mà mình muốn hướng tới trong việc cải thiện các mối quan hệ với Moscow…Đây cũng là một chủ đề được thể hiện xuyên suốt trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, dù phải hứng chịu nhiều chỉ trích của đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ và cả giới truyền thông”.

Tuy nhiên, hiện một số thành viên trong Quốc hội Mỹ còn đang lo ngại rằng, trên cương vị mới, ông Tillerson sẽ tỏ ra “quá gần gũi” với Nga. Thượng nghị sỹ John McCain của bang Arizona cuối tuần trước đã tuyên bố rằng, sự liên hệ giữa ông Tillerson và Tổng thống Nga Vladimir Putin “chính là một vấn đề” đối với ông, đồng thời chỉ rõ rằng ông sẽ kiểm tra vấn đề một cách kỹ lưỡng nếu như ông Tillerson được chính thức bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ.

Đây là một khía cạnh mà theo truyền thông Mỹ, một khi được bổ nhiệm chính thức, ông Tillerson sẽ phải trả lời chất vấn trong các cuộc điều trần trước Thượng viện. Thậm chí một số chính trị gia còn đang nhận định về khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ phải “tranh đấu” trước Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế để bảo vệ quyết định bổ nhiệm ông Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ. Hiện nhiều thành viên của đảng Cộng hòa đã tỏ ý sẽ mạnh mẽ phản đối ông Tillerson trở thành người đứng đầu Ngoại giao Mỹ vì ông này có một quá khứ và mối liên hệ mật thiết với Nga. Song giới quan sát cũng cho rằng, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trump sẽ bảo vệ thành công quyết định bổ nhiệm đối với ông Tillerson.

Nga tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Tổng thống đắc cử Mỹ nhằm cải thiện mối quan hệ song phương

Chiến thắng bất ngờ của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được xem là đã mở ra cơ hội “chưa từng có” để cải thiện mối quan hệ nhiều ràng buộc song cũng không ít trắc trở giữa Nga và Mỹ khi điều này đã được thể hiện rất rõ ràng ngay trong cương lĩnh tranh cử của ông Trump. Triển vọng này lại càng có cơ hội trở thành sự thật khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 13/12 tuyên bố ủng hộ ý định của ông Trump trong việc cải thiện các mối quan hệ giữa Washington và Moscow.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nippon TV của Nhật Bản, ngày 13/12, ông Putin tuyên bố, Nga không thể đưa ra sự lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ các ý định của Tổng thống đắc cử Mỹ nhằm cải thiện các mối quan hệ song phương.

“Tất nhiên, chúng tôi hiểu rằng đây không phải là công việc dễ dàng, xét trên mức độ đi xuống hiện nay trong các mối quan hệ Nga-Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện phần việc của mình để hướng tới mục tiêu này…Tôi phải thừa nhận rằng, cho tới giờ, chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ cách thức mà ông Trump sẽ phát triển các ý tưởng của mình trước lời cam kết sẽ đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại. Song tôi hy vọng điều này sẽ không cản trở việc phát triển các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước…Chúng tôi luôn sẵn sàng gặp gỡ vào bất kỳ thời điểm nào, về phía chúng tôi thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, tôi tin rằng, chúng tôi nên kiên nhẫn và chờ đợi cho tới khi hoàn tất tiến trình thành lập chính quyền mới ở Mỹ…Chúng tôi phải chờ đợi cho tới khi ông Trump lên nắm quyền và hình thành nên chính quyền mới” – Tổng thống Putin nói.

Theo nhận định của Tổng thống Nga, thì trong những năm qua, dư luận đã hoài nghi về triển vọng cải thiện các mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, song nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh rằng hai cường quốc đang chia sẻ những lợi ích cơ bản và cần tới các nỗ lực bình thường hóa mối quan hệ.

Ông Putin cho rằng, nếu như Mỹ và Nga cùng chia sẻ chung các nỗ lực từ trước, thì có thể sẽ giúp tránh được nhiều vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, trong đó phải kể tới sự lan rộng của các vụ tấn công khủng bố trên quy mô thế giới, gồm cả tại Mỹ và châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Với xuất thân từ giới doanh nhân, việc được lựa chọn làm Ngoại trưởng Mỹ cũng đồng nghĩa với việc ông Tillerson sẽ phải đối mặt với một thách thức mới bên cạnh những di sản do người tiềm nhiệm để lại, đó là gây dựng các mối quan hệ liên minh trên thế giới phần lớn thông qua các chính sách đối ngoại chứ không chỉ đơn thuần là thông qua các thỏa thuận về kinh tế. Tương tự, việc cải thiện các mối quan hệ với Nga cũng được xem là một “bài kiểm tra” đặc biệt đối với ông Tillerson  khi ông phải tiếp tục phát huy tinh thần của các thương vụ làm ăn thành công trị giá hàng tỷ USD giữa ExxonMobil và các công ty lớn của Nga vào lĩnh vực đối ngoại. Trước hết, trên cương vị mới, ông Tillerson sẽ phải giải quyết mối quan hệ nhiều sóng gió giữa Nga và Mỹ, gồm cả các lệnh trừng phạt kinh tế mà Washington áp đặt lên Moscow xung quanh những cáo buộc về vai trò can thiệp của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine và sau khi ông Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea. Tháng trước, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí sẽ duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow cho tới khi nào chính quyền của ông Putin đưa ra những nhượng bộ trong vấn đề Ukraine./.

Theo Dangcongsan.vn
Bình luận
Back To Top