Đóng cửa đợi bình minh

08:54 - Thứ Ba, 21/02/2017 Lượt xem: 2956 In bài viết
Toàn cầu hóa đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong dòng chảy các sự kiện quốc tế đương đại. Thế nhưng, ngay ở một khu vực phát triển như châu Âu, xu thế ấy vẫn đang bị đặt trước những rào cản vô hình nhưng rất khó vượt qua: tâm trạng hoài nghi và ngại thay đổi của không ít người dân.

Tối 13-2, một bản kiến nghị có tới 3,5 triệu chữ ký của những người phản đối Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Ca-na-đa (Canada) - gọi tắt là CETA, đã được đệ trình lên hai Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP). Đó là thời điểm cận kề cuộc bỏ phiếu về CETA tại phiên họp toàn thể của EP (ngày 15-2). Và đó cũng là một sự khẳng định, rằng châu Âu đang chia rẽ đến như thế nào.

“Stop TTIP & CETA” - tổ chức khởi xướng bản kiến nghị và tập hợp khối lượng chữ ký khổng lồ qua phong trào “Một sáng kiến công dân châu Âu” ấy, không chỉ chống lại CETA. Họ còn phản đối Hiệp định đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), hay nói rộng ra, mọi hiệp định thương mại tự do quy mô lớn mà các nhà lãnh đạo châu Âu hướng đến.

Họ nhìn thấy ở những hiệp định thương mại tự do ấy rất nhiều gam màu đen tối. Thí dụ, CETA được xem là mối đe dọa đối với nền dân chủ, nhà nước pháp quyền, các lĩnh vực y tế, dịch vụ công, môi trường, quyền của người tiêu dùng, quyền của người lao động. Đồng thời, họ xem đó là yếu tố củng cố quyền lực cho các công ty đa quốc gia...

Và những luồng ý kiến ấy không thể bị phớt lờ. Cuối năm ngoái, chính Ủy ban Việc làm và các vấn đề xã hội của EP cũng đánh giá rằng, CETA sẽ gây ra những tác động tiêu cực. Vào ngày 8-12-2016, có tới 27 trong số 55 thành viên của ủy ban bỏ phiếu chấp thuận khuyến nghị EP bác bỏ CETA. Trước đó, để có thể được ký kết vào tháng 10, CETA đã phải trải qua một quá trình đàm phán vô cùng khó khăn.

Những gì đã diễn ra là tiền đề của sự chia rẽ đang tích tụ mỗi lúc một gay gắt trong hiện tại, giữa rất nhiều áp lực về mọi mặt đang bủa vây châu Âu. Và không nghi ngờ gì, cho dù những hiệp định thương mại tự do có được hậu thuẫn bằng ý chí chính trị thượng tầng mạnh mẽ, thì việc hiện thực hóa những điều khoản thỏa thuận cũng sẽ là một chặng đường rất nhiều trắc trở.

Để được áp dụng chính thức và đầy đủ, CETA còn phải được thông qua bởi toàn bộ các nghị viện quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc EU. Trong khi đó, TTIP vẫn chỉ hiện diện như một ý tưởng trên giấy.

Song, thực tế, việc không chấp nhận các hiệp định thương mại tự do (cũng như xu hướng toàn cầu hóa) có thật sự là điều tốt cho EU? Việc bằng lòng với chủ nghĩa biệt lập thông qua các phương thức bảo hộ có thật sự làm gia tăng sức cạnh tranh cũng như các cơ hội tăng trưởng kinh tế (chưa kể đến vị thế và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế) của các quốc gia thành viên EU, trong một thế giới đang vận hành đầy sôi động như hiện tại?

Sự thịnh vượng của châu Âu, cho dù vẫn ở ngưỡng hàng đầu thế giới, dù thế nào, cũng đã suy giảm khá nhiều kể từ sau những vật vã thăng trầm của cuộc đại suy thoái kinh tế. Để trở lại, châu Âu cần những động lực. Mà những động lực ấy, thực ra, khó có thể tìm thấy nếu không chấp nhận mở toang những cánh cửa, chấp nhận cả những cơ hội lẫn những thách thức sẽ đến trong những ngọn gió đổi thay...

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top