Tự chủ để đóng góp nhiều hơn

14:47 - Thứ Sáu, 24/02/2017 Lượt xem: 2901 In bài viết
Cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho TPHCM vừa diễn ra cách đây ít ngày đã nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người dân và doanh nghiệp thành phố.

Tại cuộc họp này, một doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực phát triển bất động sản “kể câu chuyện” của chính mình, cho rằng thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh nhà đất cứ kéo dài thêm 1 năm là nhà đầu tư phải tốn thêm số tiền có thể lên tới 5%/tổng vốn đầu tư của công trình, dành cho trả lương nhân viên, trả lãi vay ngân hàng… Dự án càng lớn thì số tiền tăng thêm này càng lớn. Trong bối cảnh “đất chật, người đông”, hầu hết các nhà đầu tư ở TPHCM buộc phải làm lớn, bài bản thì mới khai thác hiệu quả quỹ đất. Trong khi đó, theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, các công trình cấp 1 (các chung cư cao từ 22 tầng trở lên) phải do Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định thiết kế. Theo đó, để thẩm định thiết kế, chủ đầu tư và đơn vị thiết kế phải “bay” ra Bộ Xây dựng làm việc ít nhất là 2 - 3 lần/dự án. Song song đó, Cục Giám định cũng phải “bay” vào TPHCM để kiểm tra và nghiệm thu ít nhất 3 lần/dự án. Đoàn làm việc như vậy thường có khoảng 7 người. Dù luật không quy định nhưng hầu hết chi phí ăn ở, đi lại của đoàn đều do chủ đầu tư… lo.

Đó là trong tình huống, mọi thứ đều trôi chảy. Nếu có sự cố hoặc có vấn đề mới phát sinh, chi phí tăng thêm cho doanh nghiệp chắc chắn không dừng ở mức 5%. Gần như tuyệt đối: gánh nặng tăng thêm chi phí sẽ được chuyển cho người mua nhà. “Vấn đề đặt ra là tại sao việc thẩm định thiết kế không thể giao cho TPHCM? TPHCM có nhiều trường đại học đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Đội ngũ chuyên gia, kỹ sư ở đây không thiếu, không thua kém các địa phương khác và hoàn toàn có thể thẩm định tốt thiết kế xây dựng”, doanh nghiệp kể trên “chốt lại” câu chuyện.

Cũng vậy, trong khi tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra ngày một khó kiểm soát, TPHCM cần có nhiều bãi đậu xe ngầm để hạn chế tình trạng xe dừng, đậu ngay trên vỉa hè, lòng đường. Thế nhưng đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ ngày công bố quy hoạch các bãi đậu xe ngầm và kêu gọi đầu tư, hiện TPHCM vẫn chưa có một bãi đậu xe ngầm ra đời. Theo một nhà đầu tư, sự chậm trễ trong việc giúp doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư của nhiều sở ngành liên quan ở TPHCM cũng là một nguyên nhân, nhưng việc phải “chạy lòng vòng” ở các bộ để làm thủ tục là nguyên nhân quan trọng hơn làm cho các dự án này chưa thể triển khai được.

Tuy nhiên, đâu phải những “trói buộc” trên chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Cách nay khoảng 5 năm, một nhóm chuyên gia ở Trường Đại học Kinh tế Luật TPHCM đã thực hiện một cuộc điều tra cho thấy, nếu nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật ở TPHCM được đưa vào sớm hơn so với thời gian thực hiện thủ tục đầu tư thường thấy khoảng 2 năm thì sự đóng góp của nó cho sự phát triển của thành phố được tính bằng nhiều ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, hiện doanh nghiệp đang “mất sức” cho nhiều thủ tục có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thành phố. Một con số tuy được công bố cách nay gần nửa năm nhưng vẫn còn rất thời sự: trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đưa vào đầu tư của TPHCM khoảng 200.000 tỷ đồng, nhưng trong đó vốn ngân sách chỉ hơn 12.000 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa. “Nếu giảm được thủ tục hành chính, Trung ương mạnh mẽ giao quyền hơn nữa cho TPHCM thì sẽ còn nhiều nhà đầu tư với nhiều nguồn vốn lớn đổ vào”, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã đánh giá về những con số này như vậy.

TPHCM đang đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Mỗi một dự án đầu tư để xử lý các vấn nạn này đều được tính bằng con số trăm tỷ, ngàn tỷ đồng. Theo tính toán của các sở, ngành TPHCM, ít nhất TPHCM phải triển khai hàng trăm dự án như vậy mới có thể xử lý căn cơ 3 thách thức nêu trên. Thế nhưng, ngay chính lúc này, để chia sẻ khó khăn với cả nước, TPHCM đã chấp hành quyết định của Chính phủ: giảm tỷ lệ thu ngân sách TPHCM được giữ lại từ 23% còn 18%. Do vậy, nếu không được phân cấp nhiều hơn, TPHCM đã khó khăn lại càng khó khăn hơn trong việc giải quyết ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường.

Điều này, đúng như ý mà Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã nói tại cuộc họp này là TPHCM tự chủ để phát triển và đóng góp cho đất nước nhiều hơn. Ở đây không hẳn chỉ là chuyện cơ chế cho TPHCM phát triển mà còn là sự phát triển chung của đất nước.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top