Náo loạn thị trường giải trí

08:42 - Thứ Ba, 07/03/2017 Lượt xem: 2689 In bài viết
Dễ nhận thấy, các chương trình truyền hình thực tế thời gian gần đây phủ sóng dày đặc các kênh truyền hình, từ Trung ương đến địa phương, khắp các ngày trong tuần chứ không chỉ là những ngày cuối tuần như vài năm trước. Với sự phủ sóng dày đặc ấy, các chương trình truyền hình thực tế trở thành kênh giải trí chủ đạo của đại bộ phận công chúng cả nước, lấn át gần như tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác. Chưa kể, đây cũng là nguyên nhân chính góp phần “giết chết” thị trường biểu diễn tại các thành phố lớn bởi yếu tố miễn phí của nó. Và mặc nhiên, khi trở thành kênh giải trí mang tính chủ đạo, các chương trình truyền hình thực tế cũng đồng thời ngày càng có sức tác động và ảnh hưởng to lớn đến tư duy cũng như thẩm mỹ của người xem, nhất là những khán giả trẻ.

Ở góc nhìn này, sẽ thấy việc ngày càng có nhiều lo ngại xung quanh chất lượng cũng như tính định hướng tư duy, thẩm mỹ cho công chúng từ các chương trình này là có cơ sở và đáng báo động. Không phải đến khi giám khảo Trấn Thành bị khán giả chỉ trích dữ dội vì để một thí sinh dễ dàng thắng 150 triệu đồng trong game show Thách thức danh hài với câu nói chọc cười cực kỳ thô tục, mọi chuyện mới trở nên đáng báo động. Đây chỉ là giọt nước tràn ly trong bối cảnh tràn lan các game show truyền hình, nhất là game show về hài hiện nay.

Có thể nói, các chương trình truyền hình thực tế hài đang đóng vai trò chi phối trên sóng truyền hình giải trí hiện nay và việc lạm dụng những kiểu chọc cười rẻ tiền, thô tục đang ngày càng gia tăng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Không chỉ hài, các chương trình thi hát cũng thay nhau lên sóng với đủ kiểu câu khách. Sức hút của các game show ca nhạc hiện nay gần như lệ thuộc hoàn toàn vào độ “nóng” của những cái tên nghệ sĩ ăn khách sẽ xuất hiện ở vị trí giám khảo. Thế nên, chương trình Giọng hát Việt mùa mới nhất đã “gây sốc” khi chọn ngồi vào ghế huấn luyện viên không phải là những cái tên có uy tín và bề dày chuyên môn mà là những gương mặt trẻ đang có sức hút trên thị trường - những gương mặt mà không ít ý kiến cho rằng hát hò “còn tệ hơn thí sinh”. Thế nên mới có chuyện, trải qua các tập phát sóng, khán giả chẳng mấy khi nghe được các ý kiến chuyên môn từ họ mà chỉ hình dung sóng truyền hình trở thành cái chợ do dàn ca sĩ trẻ ngồi ghế huấn luyện viên tạo ra.

Dù nhìn ở góc độ nào, trách nhiệm của các nhà đài vẫn là lớn nhất. Đành rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc xã hội hóa về sản xuất các chương trình truyền hình để mang đến những chương trình giải trí chất lượng là xu thế tất yếu. Thế nhưng, chính sự chạy theo lợi nhuận một cách quá đà đã dẫn đến sự buông lỏng và thả nổi về chất lượng chương trình cũng như tính giáo dục, thẩm mỹ mà đáng ra, các nhà đài phải đặt lên hàng đầu và đó cũng là nhiệm vụ chính trị cơ bản mà các đài truyền hình cả nước phải tuân thủ. Từ mục đích liên kết tốt đẹp ban đầu dần dần trở thành chuyện phân giờ bán sóng, đa số các đài giao khoán hẳn cho các đối tác tư nhân tự chủ kinh doanh, chỉ cần họ mang lại doanh số quảng cáo đạt mức yêu cầu của nhà đài.

Chuyện các công ty sản xuất chương trình chỉ chú trọng đến doanh thu, chạy theo lợi nhuận là đương nhiên, bởi dù thế nào bản chất họ cũng là kinh doanh. Thế nhưng, các nhà đài, với trách nhiệm của mình, không thể vì lỡ bán sóng mà duyệt phát sóng bất kể thượng vàng hạ cám như hiện nay. Đó còn là sự vô trách nhiệm với xã hội bởi nó góp phần làm xuống cấp các giá trị thẩm mỹ và nhận thức của cộng đồng, nhất là những khán giả trẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng việc các nhà đài đua nhau tận dụng khung giờ vàng để phát các chương trình dễ dãi nên đã tạo thói quen cho khán giả ngày càng dễ dãi. Đây là điều nguy hiểm bởi chính nó làm lệch lạc nhận thức thẩm mỹ của khán giả, nhất là khán giả trẻ và làm đảo lộn thang giá trị.

Không phải ngẫu nhiên mà trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây, nhạc sĩ Phú Quang đã chỉ đích danh khi cho rằng, các đài truyền hình đang làm náo loạn âm nhạc Việt bằng sự dễ dãi của mình. “Các vị giám khảo trẻ đó đôi khi còn hát sai lời, sai nhạc, thậm chí một nốt nhạc bẻ đôi không biết; không hề có kinh nghiệm, kiến thức âm nhạc cơ bản nhưng ngồi bình luận, nhận xét như ai. Như vậy, chúng ta đang khiến cho âm nhạc Việt đi xuống, thậm chí bị biến dạng và suy đồi”, ông nói.

Và có lẽ không chỉ âm nhạc, các đài truyền hình đang làm náo loạn thị trường giải trí Việt thì đúng hơn!

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top