Vượt lên chính mình

15:28 - Thứ Tư, 08/03/2017 Lượt xem: 3253 In bài viết
Nói về Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, cánh đàn ông thường gọi vui là “ngày phụ nữ vùng lên”. Rằng ngày này, phụ nữ chỉ mỗi việc nghỉ ngơi, vui thú với bạn bè, tự do đi mua sắm cả ngày...; còn cánh đàn ông, tất nhiên phải ở nhà ôm hết việc nhà, chăm sóc gia đình, con cái với bộ mặt nhăn nhó cùng những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Nhưng đằng sau sự tếu táo đó lại ẩn chứa bao điều suy ngẫm, trăn trở về thân phận và cả sự phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp của người phụ nữ. Làm sao để có bình đẳng giới, đó chắc chắn là cuộc đấu tranh không mệt mỏi, đầy gian khó của cả xã hội và bản thân phụ nữ.

Ngày 8-3 ra đời cách đây 160 năm cũng bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng, quyền lợi chính đáng của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Sau đó, ngày 8-3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của toàn thể phụ nữ lao động trên thế giới để thực hiện quyền bình đẳng nam nữ. Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017- 2022) cũng nêu một trong những mục tiêu trong 5 năm tới là “phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Không thể phủ nhận vị trí, vai trò và đóng góp của phụ nữ ngày càng cao và càng nhiều cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Các chỉ số hàng năm và thực tế ở nước ta đều cho thấy sự đóng góp đặc biệt to lớn của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và có vai trò quyết định trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Thấy rõ nhất là ngày càng nhiều phụ nữ có học hàm, học vị và có vị trí cao trong xã hội. Xã hội thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia công việc, học tập nâng cao trình độ không thua kém nam giới. Những thành tựu về bình đẳng giới có phần đóng góp tích cực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức tiên phong và hoạt động tích cực nhất trong các hoạt động vì bình đẳng giới.

Nhưng để đến được sự bình đẳng giới lại là chặng đường đầy gian nan thử thách. Có chị em phải chịu nhiều thiệt thòi, có khi trả bằng cái giá quá khắc nghiệt, đầy bất công. Có diễn giả ví von rằng, khi ca ngợi đức hy sinh của phụ nữ là vô tình chúng ta đang trói buộc phụ nữ bằng những sợi dây quá sức ngọt ngào. So với nam giới, phụ nữ chịu áp lực rất lớn trong công việc và cuộc sống. Phụ nữ với thiên chức làm mẹ, làm vợ phải dành nhiều thời gian cho nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc bố mẹ hai bên, lo việc học hành, dạy dỗ con cái. Cùng với hàng trăm việc không tên khác, đã lấy đi gần hết thời gian, sức lực và trí tuệ của phụ nữ. Có trường hợp khi đã yên bề gia thất, muốn phấn đấu tiếp thì cơ hội không còn hoặc do tuổi tác, không thể tiếp tục học tập nghiên cứu hay tham gia công tác xã hội. Đó là chưa kể định kiến xã hội vẫn còn khá nặng nề, ngay cả nơi làm việc, khiến cho không ít phụ nữ an phận, chấp nhận đứng sau hậu trường để chăm lo cho chồng con. Làm thế nào vừa giỏi việc nước mà lại vừa đảm việc nhà, đó luôn là nỗi trăn trở, day dứt của hầu hết chị em, nhất là cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học hay phải làm việc xa nhà. Để có sự tiệm cận được nhiều nhất là cả một nghệ thuật sống.

Đối với bất cứ phụ nữ nào, việc chăm sóc gia đình luôn là nguồn hạnh phúc không gì thay thế. Cũng chính hạnh phúc gia đình, con cái ngoan ngoãn, học giỏi sẽ là động lực, là cơ sở vững chắc để phụ nữ yên tâm công tác và tích cực học tập nâng cao trình độ. Nếu phụ nữ chăm lo gia đình bằng tất cả tấm lòng thì đối với sự nghiệp, họ cũng phải làm bằng sự say mê, sáng tạo mới có thể tiến thân, đạt kết quả cao trong công tác. Những lần gặp gỡ với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ TP hay cán bộ chủ chốt ở địa phương, lãnh đạo TPHCM đều chia sẻ, động viên, nhưng đồng thời  cũng khẳng định, vai trò quyết định là ở bản thân mỗi chị em phải không ngừng vươn lên, vượt qua trở ngại. Phụ nữ vượt qua trở ngại cũng chính là vượt qua định kiến xã hội và vượt lên chính mình. Tất nhiên, sự tiến bộ của phụ nữ rất cần sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo, đồng nghiệp ở các cơ quan, đơn vị nơi họ đang làm việc và rất cần Nhà nước có thêm nhiều chính sách khuyến khích phụ nữ học tập, nâng cao tay nghề. Đây cũng là lý do Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII xác định một trong 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2017- 2022  là “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ”.

Để phụ nữ vượt lên chính mình, không thể không nhắc tới vai trò của các “đức ông chồng”. Sự cảm thông sâu sắc, chia sẻ, giúp đỡ thường xuyên của người chồng trong gia đình là yếu tố quan trọng để phụ nữ có thời gian và điều kiện lao động, học tập, tham gia công tác xã hội, nhất là với chị em làm xa nhà, làm công tác lãnh đạo, quản lý. Cũng giống người đàn ông thành đạt, sự thành công của người phụ nữ trong sự nghiệp có bóng dáng của người chồng và gia đình họ phía sau.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top