Trách nhiệm xây dựng thể chế

14:22 - Thứ Năm, 30/03/2017 Lượt xem: 4471 In bài viết
Tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra cho nhiệm kỳ này là xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, phục vụ, tập trung hoàn thiện thể chế, bảo đảm các quy định đi vào cuộc sống khả thi. Điều này luôn được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại các diễn đàn Quốc hội, các hội nghị đầu tư, các phiên họp Chính phủ và hầu hết các diễn đàn mà Thủ tướng tham dự. Cũng xuất phát từ tinh thần đó, Thủ tướng đã cho thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xử lý những vấn đề về xây dựng thể chế.

Mới đây, theo yêu cầu của Thủ tướng, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã làm việc với 11 bộ ngành, cơ quan để rà soát chuyên đề về tình hình xây dựng các văn bản chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác kiểm tra trách nhiệm của các bộ về xây dựng thể chế, đồng thời yêu cầu mời nhiều cơ quan báo chí để công khai cho dư luận biết và công khai tại phiên họp Chính phủ sắp tới là bộ nào làm tốt, bộ nào làm không tốt. Điều đó cho thấy, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến tầm quan trọng của việc xây dựng thể chế.

Qua kiểm tra 11 bộ ngành, cơ quan đó cho thấy, hiện có 10 văn bản hướng dẫn (nghị định, quyết định) phải ban hành từ 1-1-2017 nhưng vẫn chưa được ban hành, tức là đã quá hạn 3 tháng.

Dự kiến, sẽ có thêm 11 văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ 1-7 có thể ban hành chậm trễ nếu không nỗ lực, trong khi đó nếu 1-7 có hiệu lực thì phải ban hành chậm nhất là từ 15-5. Trong số 10 nghị định nợ đọng, chỉ có 1 nghị định do Bộ Tài chính xây dựng là có nguyên nhân chính đáng (phải chờ ý kiến Trung ương về các vấn đề liên quan). Còn lại, Bộ Tài chính có trách nhiệm trong nợ đọng 5 nghị định, các bộ: NN-PTNT, Y tế, TN-MT, TT-TT đều nợ đọng 1 nghị định. Trong số này, có những nghị định đã chậm tới gần 7 tháng như Nghị định quy định chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu (lẽ ra phải trình từ ngày 1-10-2016). Đáng nói là, Tổ công tác của Thủ tướng mời 11 bộ ngành họp, nhiều bộ chậm trình văn bản nhưng lãnh đạo bộ lại vắng mặt, chứng tỏ bộ rất ít quan tâm xây dựng thể chế dù đây là việc rất quan trọng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tỏ ra khá bức xúc khi truy trách nhiệm của các bộ trong việc để nợ đọng nghị định, quyết định và cho rằng, việc chậm trễ là trách nhiệm của cơ quan chủ trì khi sát thời gian phải trình mới thành lập ban soạn thảo. Với tinh thần không thể để Chính phủ nợ đọng văn bản, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thậm chí đề nghị “thay người là nhanh nhất, thay người là văn bản nhanh ngay”.

Rõ ràng, với nguyên nhân gì đi nữa, dù là khách quan hay chủ quan, thì việc có những văn bản chậm tới 15 tháng là không thể chấp nhận được. Bởi cùng với chậm trễ đó thì chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật không thể đi vào cuộc sống, thực tiễn với những vướng mắc, biến đổi liên tục không thể có hành lang pháp lý để giải quyết. Vì vậy mà Thủ tướng luôn yêu cầu các bộ cần hết sức tập trung khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, với tinh thần không thể để Chính phủ nợ đọng văn bản. Bên cạnh đó, cũng không khó hiểu khi Thủ tướng đã thẳng thắn yêu cầu phải công khai những bộ ngành thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng thể chế.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam vừa diễn ra ngày 26-3, khi bày tỏ mong muốn có nhiều “con sếu lớn” (nhà đầu tư lớn - PV) xuất hiện, bay trên bầu trời Việt Nam và Quảng Nam đồng thời “kêu gọi những “con sếu” tiềm năng có mặt ở đây hoặc chưa có dịp có mặt ở đây cũng gia nhập đàn cùng hiệp lực đưa Quảng Nam và đưa cả Việt Nam bay cao, bay xa hơn nữa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp tục yêu cầu làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, cải cách thủ tục đầu tư tốt hơn nữa, thông lệ quốc tế hơn nữa, nhanh chóng hơn nữa, giảm chi phí hơn nữa cho nhà đầu tư. Chỉ có như thế thì mới thu hút được nhiều “con sếu lớn” trong các lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn cam kết giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước, cùng hợp tác, cùng phát triển, trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Cùng với đó, có hệ thống pháp luật minh bạch, tạo môi trường kinh doanh tốt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để nhà đầu tư yên tâm làm ăn. Muốn thế, phải có một nền móng vững chắc của luật pháp, một môi trường kinh doanh cạnh tranh và hấp dẫn dành cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đến Việt Nam, không chỉ năm này mà nhiều năm khác… Vì vậy, để đất nước cất cánh, việc xây dựng thể chế là nhiệm vụ quan trọng phải được đặt lên hàng đầu. Mỗi bộ ngành, cơ quan hữu quan phải thực sự ý thức được trách nhiệm đó, phải gương mẫu trong quá trình soạn thảo, trình và thẩm định các văn bản pháp luật; tập trung tháo gỡ nhanh những điểm ách tắc, không thể cứ mặc kệ dự thảo văn bản nằm tắc đâu đó nhiều tháng trời. Và khi trách nhiệm đó không được thực thi, cần có hình thức buộc những người đứng đầu phải có trách nhiệm. Chỉ khi có một thể chế hoàn thiện, có hệ thống pháp luật minh bạch mới có một môi trường đầu tư hoàn thiện, mới bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư và người dân, bảo đảm được an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top