Dân chủ, minh bạch trong nhà trường

09:39 - Thứ Hai, 03/04/2017 Lượt xem: 4868 In bài viết
Với chỉ đạo phải quyết liệt thực hiện dân chủ trong ngành giáo dục, nhất là khối trường học mới đây của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đang tác động sâu rộng đến môi trường học đường.

Thông điệp này thắp lên niềm tin cho xã hội và trả lại sự trong sáng, minh bạch cho môi trường trồng người cao cả. Câu hỏi nhức nhối đặt ra là trường học ở các cấp học đang thiếu dân chủ đến mức nào và làm cách nào để khắc phục “bóng đen” này? Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều vụ việc kiện tụng kéo dài ở các trường đại học và trường phổ thông gây bức xúc dư luận vì cái sai bị bưng bít, hiệu trưởng ép giáo viên xác nhận bằng chứng chối tội là những điển hình của việc mất dân chủ trong nhà trường hiện nay. Nhìn lại, nhiều năm qua ngành GD-ĐT đã ban hành đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật, hành chính về dân chủ trong ngành và đã triển khai đến từng trường học, cơ sở giáo dục. Thế nhưng, việc áp dụng quy chế dân chủ, công khai minh bạch vẫn bị lu mờ, thậm chí ách tắc ở nhiều nơi.

Và chỉ đến khi bức xúc dồn nén, tâm tư nguyện vọng không được lắng nghe, thậm chí bị chà đạp vì sự dối trá, gian lận thì người trong cuộc mới vùng lên đấu tranh. Cũng chỉ đến khi báo chí lên tiếng và có đơn từ khiếu nại, tố cáo thì các cấp quản lý mới biết sự thật mất dân chủ ở nơi mình quản lý.

Điều này cho thấy công tác giám sát, thanh tra giáo dục đang bị buông lỏng ở các cấp và nó khiến cho nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài không được giải quyết dứt điểm, gây mất niềm tin trong ngành lẫn dư luận. Nguyên nhân mất dân chủ trong trường học chủ yếu do tình trạng lạm quyền và quyền lực tập trung vào tay một số ít hoặc nhóm lợi ích riêng. Nhóm này thao túng mọi hoạt động giáo dục như thu chi tài chính nội bộ, đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học, tổ chức hoạt động ngoài giờ, dạy thêm… Vì sợ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và sợ bị trù dập nên một bộ phận giáo viên, nhân viên e ngại đấu tranh với những biểu hiện sai trái, mất dân chủ xảy ra ở trường mình. Chẳng những chọn im lặng là vàng, ở một số nơi đội ngũ sư phạm còn đánh mất mình khi đồng hành với cái sai và những việc làm thiếu minh bạch, gian dối của lãnh đạo nhà trường.

Thực tế cho thấy, việc mất dân chủ trong trường học dẫn tới nhiều bất cập, tiêu cực tồn đọng và là tác nhân kéo lùi sự phát triển của các cơ sở giáo dục, làm giảm chất lượng dạy học… Chính vì thế, để khắc phục tình trạng mất dân chủ trong trường học như hiện nay cần điều chỉnh cơ chế, chính sách về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ cũng như các quy định quản lý hoạt động giáo dục cứng nhắc, thiếu linh hoạt theo cơ chế thị trường. Hơn nữa, dù có quy chế dân chủ trong trường học nhưng nó bị che đậy bởi bệnh thành tích hoặc nhóm lợi ích và thiếu cơ sở đồng thuận, công khai, minh bạch của tập thể sư phạm thì dân chủ cũng bị lu mờ. Chính vì thế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT phải có động thái quyết liệt và đưa ra các giải pháp quan trọng, phù hợp để khôi phục tính dân chủ trong các nhà trường. Đúng như các chuyên gia giáo dục nhận định, nếu trường học thiếu cái gốc dân chủ, minh bạch thì làm sao chúng ta có thể phát huy nguồn lực, trí tuệ cho công cuộc đổi mới, khai sáng giáo dục. 

Chủ trương phân cấp, tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo chính là một bước thực thi dân chủ và thông điệp cởi mở này phải chạm đến từng giáo viên, học sinh, sinh viên để họ phát huy cao nhất quyền dân chủ của mình. Khi văn hóa dân chủ được mở rộng thì người thầy lẫn học trò mới mạnh dạn đưa ra ý tưởng sáng tạo, thẳng thắn tranh luận, phản biện về các vấn đề, kể cả trái chiều. Hơn nữa, thói quen dân chủ công khai sẽ góp phần bảo vệ sự thật - cái đúng, xử lý nghiêm sai phạm, mầm mống gian lận, dối trá trong giáo dục.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với tốc độ nhanh chóng đang mở ra kỷ nguyên mới về công nghệ hiện đại - chiếc đũa thần cho sự phát triển mọi mặt của xã hội. Vì thế, nó đòi hỏi giáo dục phải thay đổi, khai sáng vượt bậc để tạo ra sản phẩm nhân lực đạt chuẩn thông minh, sáng tạo, năng động. Như thế, nếu trường học không tiên phong thực hiện cơ chế dân chủ, minh bạch thì làm sao đáp ứng yêu cầu đổi mới, tạo ra môi trường năng động, sáng tạo trong dạy và học. Thông điệp này sẽ được thực hiện và đạt hiệu quả như thế nào? Đó là câu hỏi, cũng là nỗi bức xúc của toàn xã hội đặt ra cho ngành giáo dục và các cấp quản lý phải trả lời trong thời gian tới.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top