“Bóng ma” khủng bố ngày càng hiện rõ

10:28 - Thứ Sáu, 09/06/2017 Lượt xem: 3320 In bài viết
Đêm 3-6, ba kẻ tấn công đã lao xe tải vào những người đi bộ trên cầu London, trước khi tấn công vào khu chợ Borough gần đó. Vụ việc kinh hoàng khiến 8 người thiệt mạng, 48 người bị thương cũng là vụ tấn công thứ ba ở Anh trong vòng chưa đầy ba tháng. Tiếp đến ngày 7-6, tại Iran, nỗi kinh hoàng về khủng bố lại bùng lên khi những kẻ tấn công liều chết đồng loạt tấn công vào tòa nhà Quốc hội và lăng mộ của lãnh tụ Ayatollah Ruhollah Khomeini, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng.

 

Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại London (Anh) ngày 3-6.

Nhìn lại trong nửa đầu năm 2017, các vụ tấn công khủng bố trở thành nỗi ám ảnh, gây hoang mang đối với người dân ở nhiều quốc gia. Ngay trong đêm Giao thừa mừng năm mới, một tay súng đã nã đạn vào hộp đêm Reina (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) khiến 39 người thiệt mạng và 70 người khác bị thương. Chỉ ít ngày sau, một vụ tấn công khác ở Quebec (Canada) đã khiến 6 người chết và 17 người bị thương. Tới tháng 3, sự chú ý của thế giới đổ dồn về nước Anh khi kẻ tấn công Khalid Masood lái xe đâm vào người đi bộ trên cầu Wesminster khiến 4 người thiệt mạng, trước khi bị bắn hạ, nghi phạm này đã dùng dao đâm chết một cảnh sát. Chỉ ít lâu sau, vụ nổ bom trên tàu điện ngầm tại TP Saint Petersburg khiến 16 người chết và 64 người khác bị thương đã khiến cả nước Nga bàng hoàng. Điều đáng nói, những kẻ tiến hành các vụ tấn công tại Anh và Nga đều được xác định có mối liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chưa dừng ở đó, tới tháng 5, IS lại tiếp tục đánh bom Sân vận động Manchester Arena (Anh), khiến 22 người chết và 116 người bị thương. Theo con số thống kê không chính thức, chỉ trong tuần đầu tháng 6-2017, đã có khoảng 35 vụ khủng bố xảy ra trên toàn cầu.

Thực trạng tấn công khủng bố không chỉ dừng lại ở một vài quốc gia mà có xu hướng lan ra toàn cầu. Ngoài tâm lý trả đũa sự can thiệp của nước ngoài, tình hình phức tạp tại nhiều quốc gia hiện nay vô hình trung trở thành điều kiện nuôi dưỡng lý tưởng để chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy, phát triển. Tính mốc từ ngày 11-9-2001 đến nay (thời điểm xảy ra vụ khủng bố đâm máy bay vào tòa tháp đôi ở TP New York, Mỹ), khủng bố đã khiến thế giới thiệt hại hàng trăm tỷ USD, trong đó bao gồm thiệt hại trực tiếp (người thiệt mạng, tài sản, công trình bị hủy hoại, tiền chuộc bắt cóc…), và gián tiếp (tăng trưởng kinh tế, du lịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài…). 

Ngoài sự gia tăng về địa bàn hoạt động và những thiệt hại gây ra, chủ nghĩa khủng bố cũng đang có xu hướng phát triển nguy hiểm, khó lường. Các cuộc tấn công ngày càng nhắm tới dân thường nhiều hơn, chiến thuật “sói đơn độc” được các tổ chức khủng bố ưa chuộng và khai thác triệt để. Loại khủng bố này đã tạo ra những vụ tấn công bất ngờ, khó ngăn chặn nhưng lại gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Thêm vào đó, việc các chiến binh trở về từ Syria hay Iraq để "nằm vùng" cũng khiến giới chức an ninh nhiều nước phải đau đầu. Đây cũng chính là mối đe dọa kiểu mới mà một số nước trong khu vực Đông Nam Á phải chật vật đối phó trong thời gian qua. 

Có thể nói, chủ nghĩa khủng bố đã không còn là "bóng ma" đe dọa mà ngày càng hiện hình rõ nét. Nguy cơ khủng bố không còn là vấn đề cục bộ, mà trở thành vấn nạn toàn cầu. Đứng trước những thách thức, hơn bao giờ hết, các quốc gia cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với nhau cả về an ninh, chính trị và kinh tế, từ đó sát cánh trong cuộc chiến ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa với chính quốc gia đó mà còn đối với khu vực và toàn thế giới.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top