Tín hiệu kinh tế khả quan

15:37 - Thứ Sáu, 16/06/2017 Lượt xem: 2886 In bài viết
Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, sáng 15-6 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 1,0 - 1,2% sau phiên thảo luận kéo dài 2 ngày.

Đây là lần tăng lãi suất thứ ba của FED trong vòng 6 tháng qua và là lần tăng thứ tư kể từ tháng 12-2015, thể hiện sự tự tin vào một nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm nhưng bền vững.

 

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 16 năm là cơ sở để FED tăng lãi suất.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, FED đã duy trì mức lãi suất cơ bản dưới 0,25% và thực hiện các gói nới lỏng định lượng bơm thanh khoản cho các định chế tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, kích thích sản xuất. Lần điều chỉnh tăng lãi suất gần đây nhất của FED là vào tháng 12-2016 và tháng 3-2017 trong bối cảnh có nhiều tín hiệu lạc quan, với cam kết cắt giảm thuế, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định về tài chính của Tổng thống Donald Trump khi nhậm chức.

Với quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, Chủ tịch FED Janet Yellen mô tả đây là dấu hiệu về một nền kinh tế “lành mạnh” với tốc độ tăng trưởng đạt mức 1,2% trong quý I-2017. Thị trường lao động Mỹ đã có bước khởi sắc với trung bình hơn 190.000 việc làm mới/tháng trong 2 năm liên tiếp, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua, còn 4,3%, thậm chí thấp hơn cả con số mà FED cam kết. Chỉ số này được đánh giá là vừa đủ để “bôi trơn” các hoạt động kinh tế. Đây được cho là lý do chính dẫn tới quyết định tăng lãi suất của FED. Việc tăng dần lãi suất cơ bản cũng được nhìn nhận là cách tốt nhất để tránh một kịch bản gây tổn hại cho nền kinh tế đang hồi phục của xứ Cờ hoa.

Từ các phân tích của mình, FED dự báo, kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,2% vào năm 2017 và 2,1% vào năm 2018 - thấp hơn con số 3% mà chính quyền của Tổng thống D.Trump đang kỳ vọng. Dựa vào những con số được đưa ra, FED sẽ tiến hành các hoạt động kiểm soát bảng cân đối kế toán liên quan tới các danh mục đầu tư trái phiếu kho bạc và thế chấp trị giá 4,5 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay nếu nền kinh tế duy trì mức phát triển như dự báo, đồng thời dự kiến nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2017, song chưa công bố thời điểm cụ thể. Về kế hoạch giải tỏa số tài sản khổng lồ đã mua vào trong các đợt nới lỏng định lượng, FED đưa ra lộ trình bán 6 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 4 tỷ USD trái phiếu có bảo đảm bằng tài sản thế chấp mỗi tháng. Đây là chuỗi hoạt động để hoàn thành hai sứ mệnh then chốt của FED gồm duy trì một thị trường lao động lành mạnh và bình ổn giá cả. Dù vậy, lãi suất cơ bản vẫn được duy trì thấp hơn mức lãi suất mục tiêu của FED là 2%. Điều này có thể làm tăng chi phí vay mượn của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời tăng lợi nhuận của các khoản gửi tiết kiệm.

Các chuyên gia nhận định, thông tin FED tăng lãi suất không tác động nhiều tới thị trường toàn cầu trong ngắn hạn bởi các nhà đầu tư đã lường trước xu hướng này và dự báo khả năng tăng lãi suất lên tới 99%. Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán không có nhiều phản ứng trước tuyên bố của FED dù xu hướng chủ đạo là tăng điểm. Trên thực tế, mức lãi suất cơ bản dưới 2% vẫn bảo đảm thị trường có thể thích ứng dần dần. Động thái này thể hiện bước đi thận trọng của FED trong việc cân bằng giữa nhu cầu thắt chặt chính sách trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh và lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp. Ủy ban Thị trường mở (FOMC) cho biết, những rủi ro đe dọa các triển vọng kinh tế trong ngắn hạn dường như đã được cân bằng, nhưng cơ quan này vẫn đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến lạm phát. 

Cuộc họp tiếp theo của FED dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25 và 26-7. Trong khi đó, các chuyên gia dự báo lần tăng lãi suất tiếp theo sẽ rơi vào tháng 9 và tiếp tục tăng thêm 3 lần nữa trong năm 2018 nếu những chỉ số của nền kinh tế Mỹ tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top