Tiền vào túi ai?

14:11 - Thứ Hai, 03/07/2017 Lượt xem: 3156 In bài viết
Tình trạng heo hơi rớt giá thảm hại đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Mặc cho chiến dịch “giải cứu heo” được thực hiện rầm rộ, đến thời điểm hiện tại nhiều nơi tiếp tục phải bán với giá rất thấp.

Mức giá heo hơi trung bình vào khoảng 25.000 - 27.000 đồng/kg, trong khi theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tính toán, phải bán được giá khoảng 35.000 đồng/kg thì người nông dân mới hòa vốn. Sau heo, đến lượt các chủ trại và doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm kêu cứu vì giá gia cầm, trứng và một số sản phẩm nông sản khác cũng rơi vào cảnh rớt giá. Có doanh nghiệp mỗi ngày tốn cả trăm triệu đồng vì lỗ cộng chi phí thức ăn chăn nuôi… 

Trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT và các bộ có liên quan, các hiệp hội đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để bàn giải pháp cứu nông sản, tìm thị trường tiêu thụ hàng tồn đọng. Trong các cuộc họp đều chỉ ra một nghịch lý là giá bán thực phẩm của người sản xuất thì rẻ như cho, còn giá bán tới tay người tiêu dùng vẫn đắt đỏ. Chẳng hạn như giá thịt heo hơi mà các chủ trại bán ra chỉ có 20.000-25.000 đồng/kg nhưng giá bán tại các chợ, siêu thị ở đô thị lớn vào những tuần đầu giải cứu vẫn là 70.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí có chỗ còn bán 90.000-100.000 đồng/kg.

Câu hỏi đặt ra là phần chênh lệch đã vào túi ai? Tại hội nghị bàn cách xuất khẩu nông sản vừa được Bộ NN-PTNT tổ chức ở Hà Nội, giám đốc một sở NN-PTNT sau khi nêu ra giá bán và giá mua có sự chênh lệch quá lớn, đã khẳng định rằng lợi lộc đều rơi vào túi thương lái và đây chính là lỗ hổng về quản lý của Nhà nước. Một khảo sát khác chỉ ra thực tế, bản thân người làm ra nông sản đang thua lỗ nhưng giá bán cho người tiêu dùng vẫn ở mức cao, trong đó thương lái chiếm tới 22% - 37% lợi nhuận. Có nghĩa là cả người sản xuất và người tiêu dùng đều thiệt, chỉ có trung gian được lợi. 

Đến lượt mình, các thương lái lại than rằng bản thân họ cũng chẳng kiếm được là bao. Việc mua thấp bán cao vì phải chi phí vào các khâu trung gian, đặc biệt là vận chuyển và bảo quản. Theo tính toán thì chi phí cho một xe dưa từ miền Nam ra miền Bắc là rất lớn, không chỉ có tiền xăng dầu mà còn đội thêm từ phí cầu đường của các trạm BOT ngày càng nhiều trong khoảng 2 năm nay. Ước tính chi phí vận tải cho một chuyến xe chở dưa hiện tăng thêm 25% - 30% so với trước năm 2015. Tương tự là trái vải thiều, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách vươn xa vào thị trường Australia và Mỹ, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lo ngại không thể cạnh tranh được vải từ Trung Quốc, do cước vận chuyển của ta quá cao. Giá cước máy bay chở vải từ Việt Nam sang Australia khoảng 3USD/kg (chiếm khoảng 42% giá thành), nếu cộng thêm các khoản phí khác nữa thì lên tới 60% giá thành. Dư luận cho rằng, như trái dưa, cước phí cầu đường, xăng dầu chỉ là một phần, mà cái chính là từ vấn nạn mãi lộ, làm luật vẫn âm thầm tồn tại từ nhiều năm nay. Một khi chi phí trung gian tăng cao, các thương lái sẽ buộc phải tìm cách dìm giá thu mua của người sản xuất để có lợi. 

Rõ ràng, nếu sản xuất nông sản liên tục rủi ro và xin giải cứu sẽ tiềm ẩn mối nguy cho kinh tế - xã hội. Đành rằng phải tháo gỡ bằng nhiều giải pháp đồng bộ như quy hoạch lại, chăn nuôi kèm theo điều kiện, mở đường xuất khẩu… Nhưng vá kẽ hở chính sách, quản lý chặt chẽ các khâu trung gian, xóa bỏ tiêu cực, giảm chi phí vận tải… phải là giải pháp quan trọng, để cơ cấu lại giá thành, chia đều lợi ích cho người làm ra sản phẩm, khâu phân phối, lẫn người tiêu dùng.

Minh Thùy (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top