Đừng xem thường

16:17 - Thứ Ba, 18/07/2017 Lượt xem: 2948 In bài viết
Trong tuần qua, clip về chuyện một bà phó chủ tịch quận ở Hà Nội đi ăn trưa đã đậu ô tô không đúng nơi quy định, xảy ra cự cãi với dân, chuyện bé xé thành to.

Mới đây, lại xuất hiện clip về chuyện một ông tướng về hưu đã nặng lời mắng chửi, hăm dọa anh cảnh sát giao thông. 

Đến hôm nay thì bà phó chủ tịch quận ở Hà Nội đã chính thức gửi đơn đề nghị công an điều tra về những kẻ đã gọi điện thoại mắng chửi bà với ý đồ “bôi nhọ chính quyền”. Chuyện chưa dừng ở đây, nhưng cán bộ công chức không thể đem quyền hành của mình để giải quyết các mâu thuẫn cá nhân trong xã hội.

Còn chuyện ông tướng về hưu mắng chửi cảnh sát giao thông, xem clip ai cũng đinh ninh rằng chắc ông đã có chút men bia rượu nên mới hành xử thiếu văn hóa và chống người thi hành công vụ. Nhưng khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông khẳng định ông không hề uống bia rượu và cho rằng “Tôi không sai phạm điều gì. Lúc đó do nóng giận, tôi có quá lời, mong được thông cảm!”. Người đã xem clip không thể nghe lọt tai những điều ông trả lời phỏng vấn, hầu hết những lời bình luận sau đó đều bày tỏ sự thất vọng về hành vi khiếm nhã khó chấp nhận.

Hai chuyện nêu trên, một người đương chức, một tướng lĩnh quân đội vừa về hưu, nhưng có một điểm chung cần được xem xét: Là cán bộ, càng phải có ý thức tuân thủ đúng pháp luật và hành xử khéo léo, đúng bản chất người công bộc của dân. Nếu như khi có người phản đối việc đậu ô tô cản trở lưu thông, bà phó chủ tịch quận chỉ cần nhẹ nhàng nói lời xin lỗi và nhắc bạn mình đậu xe đúng nơi quy định, thì chuyện không thành lớn. Nếu như ông tướng về hưu chịu khó bước xuống xe nhún nhường rằng “Tài xế phóng xe quá tốc độ do tôi có việc gấp”, thì hẳn sự việc sẽ ổn thôi. Đằng này ông ngăn không cho tài xế xuống xe xuất trình giấy tờ, và còn hung hăng mắng chửi, trút cơn thịnh nộ lên anh cảnh sát giao thông. Đây thực sự là hành vi ứng xử kém, xa lạ với một cán bộ quân đội. Theo số liệu Bộ Công an mới công bố, gần đây có gần 20 vụ cảnh sát giao thông bị người vi phạm xúc phạm, uy hiếp. Thế nên, dư luận đồng tình với thái độ vừa đúng mực vừa kiên quyết xử lý của anh cảnh sát giao thông, dù đang bị người xưng là cán bộ cấp cao chửi mắng, hăm dọa.

Hai vụ việc trên là bài học, nhắc nhở cán bộ về tu dưỡng đạo đức cách mạng, đặc biệt là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đạo đức người cán bộ của dân là yêu thương con người, sống có nghĩa có tình, với mình thì chặt chẽ nghiêm khắc, với người thì độ lượng rộng rãi. Nếu ý thức được như vậy, chắc hẳn sẽ không để xảy ra những chuyện đáng tiếc, phải nói lời “mong thông cảm” mà dư luận chưa chắc đã đồng tình. Ứng xử văn hóa - đó là yêu cầu đối với từng công dân trong một xã hội. Thượng tôn pháp luật - đó là đòi hỏi của cuộc sống. Là công dân, hơn nữa là công bộc của dân, càng phải tự răn mình. 2 chuyện nhỏ nhưng đừng xem thường.

Những thói hư tật xấu trong cán bộ từng được Bác Hồ “bắt bệnh” được ghi trong các trước tác của Người. Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (Nghệ An) ngày 17-9-1945, Bác Hồ viết: “Cán bộ ta nhiều người cúc cung tận tụy, hết lòng trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có nhiều người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là vì công vinh tư. Thậm chí dùng phép công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể. Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay…”. Đọc và ngẫm nghĩ, lời Bác vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn cuộc sống ngày nay.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top