Thước đo SEA Games

08:23 - Thứ Ba, 08/08/2017 Lượt xem: 3484 In bài viết
Chỉ còn 2 tuần nữa, SEA Games 29 sẽ khai mạc tại Malaysia. Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã trải qua 28 kỳ tranh tài, trở thành một sự kiện có bề dày lịch sử.

Trong 2 thập niên trở lại đây, ngoài yếu tố thi đấu tranh tài, SEA Games đã dần mang trên mình nghĩa vụ kết nối văn hóa, giao thương của cộng đồng ASEAN. Nhiều quốc gia lần đầu tiên nhận được quyền đăng cai, nhiều địa phương không phải thủ đô được chọn làm nơi tổ chức chính của sự kiện. Ý nghĩa kết nối cộng đồng ngày càng được đề cao. Đây là lý do mà SEA Games vẫn giữ truyền thống trao cho nước chủ nhà quyền ưu tiên chọn lựa các môn thi đấu có tính chất quảng bá nội bộ, dù điều này có thể khiến cho họ nhận những chỉ trích kiểu như “SEA Games chỉ là ao làng”.

Với nhiều quốc gia có nền thể thao mạnh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, trình độ của các môn mang tính chất Olympic như điền kinh, bắn súng, võ thuật hay bơi lội… đã vượt qua tầm khu vực, nên thực tế SEA Games hiện không còn là một cuộc so tài đỉnh cao mà như một cuộc tổng duyệt, một bước đệm cho các sân chơi lớn ở tầm châu lục và thế giới. Ngay cả môn bóng đá, địa hạt mà Đông Nam Á vẫn còn là “vùng trũng” thì cũng chẳng còn nhiều nước đánh giá cao. Việc rút độ tuổi xuống còn U.22 cho thấy đây chỉ là một sân chơi bóng đá trẻ. Bởi tính ra, hệ thống thi đấu của khu vực lẫn châu lục đã đầy đủ các lứa tuổi, diễn ra liên tục. 

Thế nhưng, đối với thể thao Việt Nam, SEA Games vẫn còn quá quan trọng. Chúng ta vẫn đang cố gắng đưa lực lượng đông nhất, tham gia nhiều môn nhất có thể để tranh tài và đạt mục tiêu nằm trong tốp 3. Đa số các môn thi đấu của Việt Nam đều được tập trung cố định suốt năm, mà trong các mục tiêu đặt ra đều phải có huy chương SEA Games. Tất nhiên, đi kèm với kiểu “nuôi gà chọi” này là một khoản ngân sách lớn từ Nhà nước. Bóng đá là một ví dụ điển hình. Quá trình chuẩn bị cho SEA Games 29 lớn hơn nhiều lần so với việc chuẩn bị cho U.20 dự sân chơi lớn như vòng chung kết World Cup. Giải V-League phải tạm dừng đến 2 lần, trong gần 5 tháng để cung cấp cầu thủ cho đội tuyển. Tất cả vì một mục tiêu: đoạt HCV lần đầu tiên.

Tầm quan trọng của chiếc HCV SEA Games thì không phải bàn cãi, nhưng nó lại phản ảnh cái tâm lý “bóc ngắn - cắn dài” của thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng. Trong thể thao, trình độ, đẳng cấp được thể hiện rõ trong quá trình thi đấu, nhất là ở các sân chơi có tính chính thống cao, có sự cạnh tranh lớn. Trong khi đó, để đoạt HCV có khi lại cần thêm sự may mắn hoặc tùy vào tính chất của các đối thủ. Việc đoạt HCV tại SEA Games chưa đủ để khẳng định trình độ của một môn thi đấu nếu như tại môn đó, các đối thủ đều không có cùng chất lượng hay mục tiêu thành tích.

Nói như vậy để thấy, HCV SEA Games là một mục tiêu cần đạt nhưng chưa hẳn là tầm nhìn của thể thao Việt Nam. Nếu đánh giá quá cao chiếc HCV, thì khi làm được điều đó lại dễ ngủ quên trên chiến thắng, khiến cho những chiến lược lớn hơn bị xem nhẹ, thiếu tập trung trong việc đầu tư dài hạn. Tương tự đối với bóng đá, ý nghĩa lớn nhất của HCV SEA Games là sự cụ thể hóa cho một giai đoạn phát triển bóng đá trẻ rất tốt thời gian gần đây, nâng cao khả năng hội nhập với bóng đá thế giới, chứ không nên xem đó là tất cả những gì cần phải làm. Chính sự thoải mái sẽ giúp cho đội tuyển thi đấu đẹp mắt và người hâm mộ cũng sẽ cảm thấy hài lòng dù thầy trò HLV Hữu Thắng có đi đến vinh quang cuối cùng hay không.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top