“Sóng ngầm” trong lòng nước Mỹ

08:46 - Thứ Ba, 15/08/2017 Lượt xem: 6108 In bài viết
Những ngày cuối tuần qua, thành phố vốn yên bình Charlottesville, bang Virnigia, bất ngờ trở thành “điểm nóng” của nước Mỹ khi cuộc tuần hành bảo vệ tượng đài Đại tướng Robert E.Lee, Tư lệnh Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ thế kỷ XIX, biến thành thảm kịch đâm xe và đụng độ khiến 3 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Đây là thảm kịch tồi tệ nhất do mâu thuẫn sắc tộc ở Mỹ trong những năm gần đây.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích đây là biểu hiện thái quá của thù hận, mù quáng và bạo lực từ nhiều phía, đồng thời ông kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết, bất kể màu da, tín ngưỡng, tôn giáo hay chính đảng. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Herbert McMaster cho rằng, vụ việc ở Charlottesville là nhằm kích động nỗi sợ hãi và khẳng định, bất cứ vụ tấn công nào nhằm vào người dân đều là khủng bố. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cũng lên án vụ bạo động. Theo ông, phong trào ủng hộ người da trắng thượng đẳng là mối đe dọa đối với nước Mỹ, trong đó có các nhân viên thực thi pháp luật.

 

Bạo loạn tại Charlottesville thổi bùng nguy cơ mâu thuẫn sắc tộc tại Mỹ.

Thực tế, vụ bạo lực ở Charlottesville là diễn biến mới nhất sau một loạt vụ biểu tình căng thẳng đang diễn ra trên khắp nước Mỹ về kế hoạch loại bỏ các bức tượng và các dấu ấn lịch sử khác liên quan đến Liên minh miền Nam mà tâm điểm là bức tượng Đại tướng Robert E.Lee. Những người muốn bảo vệ tượng đài cho rằng, Đại tướng Lee là một anh hùng bởi ông đã quyết định đầu hàng để chấm dứt cảnh "huynh đệ tương tàn", cũng như thúc đẩy hòa hợp dân tộc khi nhận ra thất bại. Họ khẳng định, bức tượng không khắc họa hình ảnh Lee cưỡi chiến mã ra trận, mà chỉ là đang trên đường đến Lexington để nhậm chức chủ tịch một trường đại học sau chiến tranh. Lập luận này bị nhiều người phản đối, cho rằng hình ảnh tướng Lee mặc quân phục, cưỡi chiến mã không hề mang tính biểu tượng cho hòa bình hay hòa hợp dân tộc, mà là dấu vết của một phong trào, tư tưởng của chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng” tướng Lee từng dẫn dắt, qua đó coi những người da màu chỉ là nô lệ. Vì vậy, ngày càng nhiều bức tượng liên quan đến Liên minh miền Nam bị phá bỏ, những con đường mang tên Đại tướng Lee bị đổi tên, các tượng đài bị di dời. 

Tại Charlottesville, tranh cãi về tượng đài 92 năm tuổi này bắt đầu nổi lên vào năm 2012, khi ủy viên Hội đồng thành phố Kristin Szakos đưa ra gợi ý về việc phá bỏ nó. Năm 2016, Wes Bellamy, ủy viên Hội đồng Charlottesville và một phó thị trưởng thành phố phát động chiến dịch mới bằng cách yêu cầu thành lập ủy ban thảo luận về vấn đề này. Kết quả là, Hội đồng thành phố đã bỏ phiếu nhất trí di chuyển tượng Đại tướng Lee ra khỏi công viên trung tâm. Tuy nhiên, quyết định này vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của những người ủng hộ chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng”. Trong lúc chờ tòa án xử lý đơn kiện, bức tượng vẫn nằm nguyên vị trí, nhưng chính quyền thành phố đã đổi tên Công viên Lee thành Công viên Giải phóng.

Vụ việc ở thành phố Charlottesville có dấu hiệu cho thấy, trong cuộc sống thanh bình, thịnh vượng của Mỹ vẫn âm ỉ cuộc xung đột gay gắt giữa các sắc tộc, chỉ cần có cơ hội là bùng lên thành biến cố lớn. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc nội chiến chia cắt đất nước này cách đây 150 năm. Trong bối cảnh chia rẽ xã hội ngày càng trở nên sâu sắc, các phong trào cực hữu ủng hộ da trắng và phân biệt chủng tộc cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền Mỹ cần có những chính sách và hành động quyết liệt để dẹp bỏ những cơn sóng ngầm có thể làm gia tăng bất ổn đối với nước này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top