Nguy cơ bùng nổ "chiến tranh thương mại" Mỹ-Trung

15:37 - Thứ Năm, 17/08/2017 Lượt xem: 4430 In bài viết
Hôm 15-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump - người từng cáo buộc Trung Quốc cướp bóc nền kinh tế Mỹ trong "vụ trộm cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới" đã ký sắc lệnh ủy quyền tiến hành điều tra cáo buộc về những vi phạm bản quyền trí tuệ Mỹ của Trung Quốc.

Đương nhiên là không bao giờ chính quyền Bắc Kinh chấp nhận những cáo buộc nói trên của Mỹ. Vì thế, chỉ vài giờ sau khi tin này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố nước này sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để đáp trả những động thái cản trở thương mại song phương của Mỹ.

 

Thâm hụt thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... luôn là những đề tài gây tranh cãi trong các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc.

Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc được phát đi hôm 15-8 có đoạn viết: "Nếu phía Mỹ có những hành động làm suy yếu quan hệ thương mại lẫn nhau, không quan tâm đến sự thật và không tôn trọng các quy tắc đa phương thì Trung Quốc chắc chắn sẽ không chỉ khoanh tay đứng nhìn.

Thay vào đó, Trung Quốc sẽ thực thi tất cả các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc". Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng có nhiều bài viết chỉ trích biện pháp này. Một bình luận của Tân Hoa Xã cho biết, động thái này của Mỹ "đã lỗi thời" và sẽ làm tổn thương cả hai nước.

Trong một bài xã luận, tờ China Daily chính thức kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nên theo đuổi một con đường khác thay vì dùng thương mại làm sức ép đối với Trung Quốc trong vấn đề CHDCND Triều Tiên. Bài xã luận có đoạn viết: "Thay vì thúc đẩy lợi ích của Mỹ, việc chính trị hóa thương mại sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những tai ương kinh tế của đất nước này và làm mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ ngập sâu trong bùn lầy".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này. Do đó, mọi biện pháp bảo vệ thương mại của bất kỳ quốc gia thành viên nào thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều phải tuân theo quy định của WTO.

Bà Hoa Xuân Oánh cảnh báo rằng, trong bối cảnh mối quan hệ giao lưu kinh tế thương mại Trung Quốc-Mỹ ngày càng được thắt chặt, nếu xảy ra cuộc chiến thương mại sẽ không có kẻ thắng mà cả hai bên đều thua. Do đó, Trung Quốc mong muốn tìm biện pháp giải quyết thỏa đáng bất đồng giữa hai bên dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, nhằm bảo vệ sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc-Mỹ.

Điều này cũng phù hợp với những tuyên bố trước đó của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng Bắc Kinh không bao giờ muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Giới quan sát nhận định, với sắc lệnh điều tra mới được Tổng thống Donald Trump ký kết, nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc là có thể xảy ra. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều bất đồng, chính quyền hai nước đều đang muốn giải tỏa bởi lẽ nếu căng thẳng lên cao thì doanh nghiệp cả hai nước đều chịu nhiều thiệt hại.

Còn theo nhận định của hãng Washingtonpost, việc Mỹ tiến hành điều tra Trung Quốc về thương mại đã được dự đoán từ trước. Tổng thống Mỹ Donald Trump từ khi còn tranh cử đã không ít lần nói về việc Mỹ phải chống lại thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc.

Một số thâm hụt đó bắt nguồn từ việc các công ty Trung Quốc đang sao chép các sản phẩm và ý tưởng của Mỹ và bán lại cho người Mỹ với mức giá thấp hơn hoặc ép nhập khẩu của Mỹ ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Nghĩa là, mối quan tâm về hàng giả và vi phạm bản quyền đã được Tổng thống Mỹ chú trọng từ rất lâu. Đó là chưa kể đến việc các công ty Mỹ đặc biệt khó chịu về các quy tắc đòi hỏi các đối tác Trung Quốc xung quanh việc tiết lộ sở hữu trí tuệ vào thị trường Trung Quốc, điều mà người Trung Quốc cho là tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ.

Ủy ban về chống vi phạm bản quyền trí tuệ của Mỹ từng ước tính, tổn thất hàng năm của nền kinh tế Mỹ từ việc hàng giả, phần mềm bị  vi phạm bản quyền và trộm cắp bí mật thương mại là từ 225 tỷ USD đến 600 tỷ USD. 

Ủy ban này thậm chí còn từng báo cáo rằng Trung Quốc là nước xâm phạm sở hữu trí tuệ nhiều nhất trên thế giới và hàng hóa "made in China" chiếm tới 87% hàng giả vào Mỹ.

Không chỉ riêng Mỹ mà cả Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada đều bày tỏ những quan ngại về hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. 

Cũng theo hãng tin Washingtonpost thì đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã được Tổng thống Donald Trump ký cho phép chỉ đạo các cuộc điều tra về sở hữu trí tuệ nhằm vào Trung Quốc và phải xác định rõ xem liệu chính sách thương mại của Trung Quốc có ép buộc các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cho nước này hay không.

Từ đó, ông Robert Lighthizer có toàn quyền cân nhắc các lựa chọn với các biện pháp trả đũa ngoài phạm vi WTO nếu cần.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top