Muộn còn hơn không

14:51 - Thứ Năm, 24/08/2017 Lượt xem: 4972 In bài viết
Năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025...

Năm học 2016-2017, ngành giáo dục tiếp tục triển khai dạy học chương trình tiếng Anh 10 năm với số học sinh phổ thông học theo chương trình này là trên 4,9 triệu em, tăng đáng kể so với năm học 2015-2016. Trong đó, số học sinh THPT là gần 10.000 em (chiếm 4,03%); số học sinh THCS là hơn 1,8 triệu em, chiếm 34,7%; số học sinh tiểu học lớp 3, 4, 5 là gần 2,2 triệu em, chiếm 46,7%.

Cùng với đó, tiếng Anh tăng cường tiếp tục được triển khai tại một số địa phương và các trường ĐH-CĐ. Bộ GD-ĐT đã giao 10 đơn vị nòng cốt về đào tạo giáo viên ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội; Đại học Hà Nội; Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế; Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng; Đại học Sư phạm TPHCM; Trung tâm SEAMEO RETRAC; Đại học Thái Nguyên; Đại học Cần Thơ; Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Vinh) để phối hợp với các sở GD-ĐT triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông. Kết quả có gần 6.000 giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông đã được bồi dưỡng nghiệp vụ.

Bộ GD-ĐT cũng đã tiếp tục xây dựng các định dạng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo các định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam…

Bộ GD-ĐT khẳng định, các địa phương và cơ sở đào tạo tiếp tục triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và triển khai phần tự luận trong các bài kiểm tra viết, vận dụng định dạng đề thi tiếng Anh đối với học sinh học chương trình tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020; phối hợp với tổ chức, cá nhân, giáo viên nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông (Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bắc Giang...).

Hầu hết các cơ sở đào tạo đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho từng ngành đào tạo. Một số địa phương đã tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh thông qua việc đánh giá năng lực đầu ra bậc 2 đối với học sinh lớp 9; bậc 3 đối với học sinh lớp 12; thí điểm dạy một số môn khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý) bằng tiếng Anh ở một số cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh để nâng cao chất lượng, phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh…

Dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường, nhưng Bộ GD-ĐT thừa nhận việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng. Số lượng học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu của giai đoạn. Ngành giáo dục cũng chưa có giải pháp cụ thể trong dạy và học ngoại ngữ ở các vùng miền, địa phương khác nhau dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn tại tất cả các địa phương trở nên khó khăn. Hoạt động bồi dưỡng cán bộ, giảng viên chưa đạt thực sự đạt hiệu quả. Việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo chưa hiệu quả dẫn đến nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ…

Năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025, tức là sửa đổi Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Cùng với đó, hoàn thiện các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến; từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ quốc gia. Ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đa dạng hóa các chương trình, sách giáo khoa, học liệu và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học tập ngoại ngữ của HS-SV. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm…

Thực tế,  tiếng Anh vẫn là điểm yếu của HS-SV Việt Nam. Muốn con em khá ngoại ngữ, các gia đình phải đổ không ít tiền bạc để con cái đi học thêm tiếng Anh ở các trung tâm, vì vậy hầu hết các phụ huynh đánh giá việc dạy và học tiếng Anh ở trường là không hiệu quả.

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có trên 90% học sinh có điểm dưới trung bình môn tiếng Anh, tập trung vào phổ điểm từ 2 đến 4; chỉ 8,8% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên. Ở kỳ thi THPT quốc gia 2017, phổ điểm môn tiếng Anh tuy đã nhích lên, nhưng vẫn còn tới hơn 68% bài thi có điểm dưới trung bình; tiếng Anh là môn có điểm thi thấp nhất trong số các môn thi THPT quốc gia khi mà mức điểm thí sinh đạt nhiều nhất là 3,4 điểm. Nguy hại nhất là một bộ phận không nhỏ học sinh đang phải học tiếng Anh từ các giáo viên ngoại ngữ chưa đạt chuẩn khiến nhiều người lo lắng một khi các em đã học cách phát âm sai thì rất khó sửa…

Đến giờ thì không còn phải bàn gì về tầm quan trọng của tiếng Anh nữa. Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 đã từng bị nhiều điều tiếng của dư luận. Diễn đàn Quốc hội cũng đã nhiều lần nóng lên với vấn đề này. Tiêu tốn không ít tiền, triển khai rầm rộ và trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục với mục tiêu đẹp đẽ nhưng sau nhiều năm triển khai thì phải sửa đề án. Nhưng muộn còn hơn không. Chúng ta mong ngành giáo dục sẽ có một bản đề án dạy và học ngoại ngữ hiệu quả hơn, có so sánh với hiệu quả dạy và học ngoại ngữ ngoài nhà trường để có hướng đi phù hợp đối với việc dạy tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top