Bước tiến hòa bình ở Syria

10:03 - Thứ Hai, 18/09/2017 Lượt xem: 4825 In bài viết
Trong Tuyên bố chung vừa được đưa ra sau cuộc hòa đàm Astana-6 diễn ra tại thủ đô Astana (Kazakhstan), “bộ ba” Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về việc cùng giám sát vùng giảm leo thang căng thẳng thứ tư xung quanh tỉnh Idlib (Syria). Đây được coi là một phần của nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu đã bước sang năm thứ 7 tại quốc gia Trung Đông này.

Idlib là tỉnh nằm tại khu vực biên giới phía Tây Bắc của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn vùng này thuộc sự kiểm soát của các tay súng Hồi giáo và lực lượng đối lập Syria kể từ năm 2015. Ngoài việc thiết lập vùng giảm leo thang căng thẳng, Tehran, Mátxcơva và Ankara cũng sẽ triển khai 500 quan sát viên tới Idlib, trong đó có cả cảnh sát quân sự Nga, với nhiệm vụ chính là báo cáo và góp phần ngăn chặn bất kỳ hành động nào vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Tuyên bố chung nêu rõ, đây là một biện pháp tạm thời kéo dài trong 6 tháng và sẽ tự động mở rộng trên cơ sở sự đồng thuận của các quốc gia bảo trợ. Cũng theo tuyên bố, nhóm “bộ ba” sẽ cho ra đời Trung tâm Điều phối liên hợp Iran - Nga - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phục vụ công tác phối hợp các hoạt động trong vùng giảm leo thang căng thẳng.

 

Thỏa thuận về các vùng giảm leo thang căng thẳng tại Syria là một phần trong nỗ lực quốc tế, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.

Cùng với 3 khu vực khác gồm phía Bắc tỉnh Homs, Đông Ghouta và trung tâm phía Nam Syria, Idlib là vùng an toàn thiết lập theo đề xuất của Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, được ký kết với sự chấp thuận của Chính phủ Syria vào tháng 5-2017. Các khu vực này nhằm mục đích duy trì lệnh ngừng bắn để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Syria và hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là việc tách các nhóm cực đoan khỏi hoạt động của phe đối lập có vũ trang. Biên bản ghi nhớ thỏa thuận vào tháng 5 cho thấy, bất kỳ cuộc chiến nào giữa các lực lượng của Chính phủ Syria và phe đối lập có vũ trang sẽ phải chấm dứt trong các khu vực giảm leo thang căng thẳng. Hàng loạt trạm kiểm soát và đài quan sát sẽ được đặt dọc theo các tuyến đường chính trong khu an toàn.

Theo các chuyên gia, việc thiết lập vùng giảm leo thang căng thẳng là bước đi cần thiết để chấm dứt cuộc khủng hoảng dai dẳng tại Syria. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh Tuyên bố chung và nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận trong việc cải thiện cuộc sống của người dân Syria. Phó Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Ramzi Ezzeldin Ramzy gọi đây là cách tiếp cận đúng hướng, hỗ trợ cho các quá trình chính trị, đồng thời mở đường sơ tán thường dân không có vũ trang và tạo cơ hội trợ giúp nhân đạo tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Tuy nhiên, những thỏa thuận vừa đạt được tại Astana cũng đặt ra nhiều vấn đề. Ba nước bảo trợ gồm Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã không cung cấp thêm thông tin về vị trí chính xác của các vùng an toàn được thiết lập và biện pháp cụ thể để duy trì tình hình ổn định tại đây. Các chuyên gia cũng lo ngại cùng với việc “đóng băng” cuộc xung đột, khu vực giảm leo thang căng thẳng tiềm ẩn nguy cơ biến thành một vùng đất tự trị độc lập nằm ngoài sự kiểm soát của Chính phủ và trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhóm cực đoan. Dù vậy, nhóm “bộ ba” Astana liên tục khẳng định sáng kiến về những khu vực không chiến sự sẽ không làm suy yếu chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Trong bối cảnh các cuộc hòa đàm về Syria ít tạo đột phá, thỏa thuận vừa đạt được giữa Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một bước tiến mới trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, việc duy trì thỏa thuận phần lớn phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài đang hỗ trợ các phe đối lập nhau tại Syria. Mọi nỗ lực chỉ thực sự có hiệu quả khi các bên theo đuổi mục tiêu chung là đạt được sự dàn xếp cả về quân sự và chính trị để chấm dứt cuộc xung đột.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top