ODA - ưu đãi và gánh nặng

16:26 - Thứ Ba, 19/09/2017 Lượt xem: 4736 In bài viết
Mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể trong thời gian qua, song tiến độ giải ngân nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ thái độ rất “sốt ruột”, vì 6 tháng đầu năm 2017 cả nước mới giải ngân được 32,6%. Sau chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA đã có nhiều cải thiện. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7-2017, giải ngân vốn ODA đạt trên 41.710 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch năm, nhưng mới bằng 95% so với cùng kỳ năm 2016.

TPHCM cũng không phải là ngoại lệ, mặc dù luôn trong tình trạng “khát vốn” cho đầu tư hạ tầng đô thị. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước đã giao cho TPHCM trong năm 2017 là 26.183 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 3.282 tỷ đồng, vốn ODA do trung ương cấp phát là 4.034 tỷ đồng, vốn ngân sách TP là 18.866 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31-7, tổng số vốn TPHCM đã giải ngân là 13.214 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch vốn giao. Cụ thể, giải ngân vốn ngân sách trung ương 722 tỷ đồng (đạt 22%), vốn ODA do trung ương cấp phát 2.901 tỷ đồng (71,9%), vốn ngân sách TP 9.589 tỷ đồng (50,5%). Rất bức xúc vì “không giải ngân nhanh là mang tội với nhân dân”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cũng đã chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị, ban ngành nghiêm chỉnh rút kinh nghiệm; giải trình rõ trước lãnh đạo UBND TP. “Không thể cứ ôm cục tiền vốn rồi cất đi, cuối năm dùng không hết trả lại, gây lãng phí lớn cho TP”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến phát biểu trong cuộc họp giao ban của lãnh đạo các sở, ngành TP mới đây.

Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA nói riêng. Trước tiên là tâm lý “không đi đâu mà vội”, đầu năm giải ngân chậm, cuối năm mới chạy nước rút. Một nguyên nhân khác là công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp, đặc biệt với những dự án lớn, sử dụng nhiều đất. Chuyện hoàn thiện thủ tục, cũng như sự phối hợp giữa nhà thầu, các cơ quan liên quan trong hoàn thiện thủ tục “mỗi khâu chậm một chút”. Với nguồn vốn ODA, còn một hạn chế khác nằm ở sự khác biệt trong thủ tục giữa Việt Nam và các đối tác phát triển; ở tình trạng thiếu vốn đối ứng theo kế hoạch.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Nói cách khác, nếu dự án bị chậm tiến độ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí khoảng 50%. Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng chậm trễ, một số loại phí sẽ được áp dụng, chẳng hạn như phí cam kết (khoản tiền phải trả cho những khoản vốn vay đã cam kết nhưng không giải ngân được, với ADB khoản phí này là 0,15%/năm trên khoản tiền chưa giải ngân). Đương nhiên, chậm khởi động và thực hiện dự án dẫn đến phải kéo dài thời gian vay, phải xin gia hạn dự án, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả; thậm chí một số dự án bị cắt giảm, hủy một số hạng mục, hoặc phải tái cấu trúc toàn bộ. Đó là chưa kể nguồn vốn vay ODA còn luôn đi kèm với những điều kiện nhất định, liên quan đến lợi ích kinh tế của bên cho vay, chẳng hạn như yêu cầu sử dụng nhà thầu thi công của nước tài trợ vốn. Đa phần vật liệu, thiết bị cần thiết cho công trình cũng sẽ do đối tác của nước tài trợ cung cấp.

Cũng cần nói thêm rằng, là một nước có thu nhập trung bình, kể từ đầu năm 2017, Việt Nam buộc phải bước vào một sân chơi với ít ưu đãi hơn nhiều. Từ ngày 1-7-2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức dừng cung cấp cho Việt Nam các khoản vay ưu đãi IDA - ­ vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WB. ADB cũng sẽ áp dụng chính sách tương tự từ ngày 1-1-2019, các nhà tài trợ song phương khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ đi theo tiến trình này. Dù các mốc thời gian có thể khác nhau, nhưng chắc chắn xu thế chung là các khoản vay sẽ có thời hạn ngắn hơn, lãi suất cao hơn.

Để thúc đẩy giải ngân cũng như sử dụng hiệu quả hơn vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ trong giai đoạn tới, cần thu hẹp lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, không ưu tiên cho các lĩnh vực mà tư nhân có thể thực hiện được. Đồng thời, bộ này cũng đã đưa ra nhiều đề xuất cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện điều chuyển vốn chưa giải ngân được từ dự án này sang dự án khác, hoặc giữa các địa phương, bộ ngành, thúc đẩy các dự án giải ngân tốt; nhất là các chương trình, dự án kết thúc hiệp định vào năm 2017.

Được biết, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi sẽ lập một số đoàn kiểm tra các dự án có nhiều vướng mắc, đặc biệt ở các bộ, cơ quan, địa phương chưa giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp xử lý hiệu quả, kịp thời các vấn đề vượt thẩm quyền. Tất nhiên, các địa phương sử dụng nhiều vốn ODA như TPHCM và Hà Nội cũng cần hạn chế việc tăng tổng mức đầu tư, hoặc rải vốn dàn trải, chủ động kiểm soát chặt chẽ tiến độ để có biện pháp xử lý kịp thời, không để các dự án bị chậm trễ, biến các khoản vốn ưu đãi trở nên “đắt đỏ” do những chi phí phát sinh. Khi đó, “tốt vay” sẽ thành “dày nợ”, để lại những gánh nặng phải trả cho các thế hệ tương lai.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top