Không thể chần chừ

08:58 - Thứ Ba, 10/10/2017 Lượt xem: 3151 In bài viết
Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị Trung ương 6 khóa 12 của Đảng đang diễn ra là tổ chức, sắp xếp lại hệ thống chính trị, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược về xây dựng Đảng, xây dựng đất nước mà nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.

Thực ra, câu chuyện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước, bộ máy Đảng và hệ thống chính trị không có gì là mới, là bất ngờ. Đó là công việc thường xuyên của Đảng và Nhà nước, sao cho phù hợp với thực tiễn, đặc điểm trong thời kỳ, nhất là thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. 

Gần một thế kỷ tồn tại và phát triển, đặc biệt hơn 40 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), thực tiễn cách mạng đã cho chúng ta nhiều bài học về lãnh đạo và quản lý đất nước. Bên cạnh những thành tựu là cơ bản, chủ yếu, có những sai lầm, thất bại, ảnh hưởng đến sự phát triển và uy tín của Đảng và Nhà nước. 

Phải nhìn thẳng vào sự thật, mỗi lần sai lầm, thất bại như thế, cho chúng ta những bài học xương máu. Và, cũng thực tế chứng minh, dù có lúc khó khăn thậm chí thất bại, nhưng chúng ta vẫn vững vàng, kiên định xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

Chủ trương đổi mới, sắp xếp lại bộ máy, hệ thống chính trị mà Trung ương 6 khóa 12 đưa ra có tính chiến lược và cấp bách. Đó là tầm nhìn, kế hoạch dài hạn cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước, xây dựng Đảng. Đó là sự cần thiết, không thể chần chừ khi bộ máy Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc có sự chồng chéo; tiêu tốn quá nhiều nguồn lực, trong đó có nhân lực và tài lực, tài sản của đất nước. Và, đặc biệt, hình thành một sức ì, lực cản ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Sự chồng chéo, chia sẻ quyền lực, trách nhiệm ấy vô lý, bất cập ai cũng nhìn thấy, nhưng không phải ai cũng dám nói ra sự thật. Thực tế chứng minh, có việc nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức cùng tham gia giải quyết. Nhưng rốt cuộc sự cố vẫn xảy ra do chồng chéo chỗ này, lại bỏ trống chỗ khác. 

Đổi mới, sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước trong lúc này là chuyện chẳng đừng. Quy luật của sự phát triển không cho phép ta chần chừ, nếu muốn tồn tại và phát triển theo định hướng đã chọn. Vấn đề còn lại là biện pháp, bước đi. Theo chúng tôi trước mắt cần giải quyết tốt các vấn đề sau: 

Thứ nhất, cần thống nhất về nhận thức, đây là quy luật của sự phát triển, là yêu cầu cấp bách trong việc xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy quản lý và điều hành xã hội nhằm thực hiện thắng lợi cương lĩnh chính trị và mục tiêu chiến lược mà Đảng CSVN đã đề ra trong giai đoạn CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. 

Thứ hai, cần có bước đi phù hợp. Thực ra việc đổi mới theo hướng nhất thể hóa này chúng ta đã có kinh nghiệm ở một số nước có điều kiện và hoàn cảnh giống ta và ta đã làm thí điểm một số nơi trong nước. Cần có bước đi thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Thứ ba, cần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ, tránh sự chuyên quyền, độc đoán, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ địa phương, gia đình, dòng họ.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; mở rộng dân chủ đi đôi với siết chặt kỷ cương; đặc biệt phát huy vai trò vị trí, chức năng nhiệm vụ của báo chí - truyền thông sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. 

Cuộc cách mạng nào khi thực hiện cũng khó khăn, nhưng cũng mang lợi sự mới mẻ, tốt đẹp. Việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể lần này phải được coi như một cuộc cách mạng mới. Có kiên định, vững vàng, thống nhất từ trong Đảng ra xã hội, nhất định sẽ mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho đất nước.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top