Dấu hiệu tích cực cho hòa bình Syria

09:16 - Thứ Ba, 14/11/2017 Lượt xem: 6268 In bài viết
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhất trí với một bản tuyên bố chung về vấn đề Syria sau cuộc trao đổi ngắn tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), diễn ra tại Đà Nẵng (Việt Nam).

Đây là bước tiến mới đáng chú ý về vấn đề Syria, kể từ sau cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức hồi tháng 7 vốn đi đến thống nhất một thỏa thuận ngừng bắn tại miền Nam quốc gia Trung Đông.

 

Bên lề APEC 2017, hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã đưa ra quyết định quan trọng có tính chất thay đổi cục diện về vấn đề Syria.

Thời điểm tuyên bố chung được đưa ra khiến dư luận bất ngờ bởi lẽ cuộc gặp chính thức giữa hai lãnh đạo hàng đầu của Nga và Mỹ trong khuôn khổ APEC đã không diễn ra như kỳ vọng. Thay vào đó, hai bên chỉ có cuộc trao đổi nhanh với lý do "không sắp xếp được lịch làm việc”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng tuyên bố chung là câu chuyện “tùy hứng". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từng khẳng định thỏa thuận quan trọng này được chuẩn bị từ trước để dành cho cuộc gặp tại Đà Nẵng và việc hai nhà lãnh đạo không thể gặp gỡ chính thức chỉ là tình huống nhất thời.

Theo tuyên bố, hai bên nhất trí tiếp tục nỗ lực chung nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cũng như thiết lập các kênh liên lạc nhằm ngăn ngừa những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Trung Đông. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định cam kết bảo đảm chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời nhấn mạnh sẽ không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, hai bên cũng kêu gọi các lực lượng trong cuộc chiến Syria tích cực tham gia tiến trình đàm phán hòa bình tại Geneva (Thụy Sĩ).

Quyết định mới đưa ra là thay đổi quan trọng, tạo ra bước ngoặt lớn với tình hình Syria và là dấu hiệu rõ ràng đầu tiên cho thấy Mỹ và Nga có thể hợp tác với nhau trong vấn đề gai góc này. Từ nhiều năm qua, quân đội của hai bên đã duy trì đường dây nóng với mục đích tránh xảy ra các vụ đụng độ, thậm chí là đối đầu ngoài ý muốn tại Syria. Tới nay, khi đối thủ chung IS gần như đã bị đánh bại, hai nước thực tế vẫn đang duy trì sự hậu thuẫn cho các bên đối lập nhau. Trong đó, phía Nga ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn phía Mỹ hậu thuẫn các nhóm vũ trang đối lập. Thực tế này đã dẫn tới những căng thẳng nhất định, dù cả hai cường quốc theo cam kết phải tăng cường trao đổi thông tin liên tục về địa điểm hoạt động của các lực lượng quân sự của mỗi nước. Thỏa thuận mới sẽ đặt tiền đề cho việc giải quyết triệt để những bất ổn trên thực địa. Mặt khác, bước tiến mà Washington và Mátxcơva đạt được cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc tìm kiếm một tiến trình chính trị hòa bình cho Syria và giải quyết cuộc nội chiến tại đây.

Dù có nhiều điểm tích cực, cũng không thể phủ nhận được thỏa thuận lần này vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết, quyết định mới được đưa ra ngay sau khi IS có sự trỗi dậy, tái chiếm hoàn toàn TP Albu Kamal ở khu vực biên giới của Syria, sau một cuộc phản công mạnh mẽ để giành lại thành trì cuối cùng này từ tay các lực lượng Chính phủ Syria. TP Albu Kamal nằm ở khu vực biên giới của Syria giáp với Iraq và là trung tâm đô thị quan trọng cuối cùng nằm dưới quyền kiểm soát của IS tại Syria.

Trong bối cảnh những nỗ lực hướng tới hòa bình còn khá mong manh, bất cứ yếu tố gây căng thẳng nào cũng có thể trở thành ngòi nổ khiến bạo lực bùng phát trở lại. Vì vậy, chỉ khi quyết tâm theo đuổi những hướng tiếp cận hòa bình, các bên liên quan tới vấn đề Syria mới có thể đưa ra được giải pháp hiệu quả nhằm chấm dứt cuộc chiến dai dẳng ở đất nước này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top