Căng thẳng thêm trầm trọng

14:33 - Thứ Sáu, 24/11/2017 Lượt xem: 4229 In bài viết
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố (bên cạnh Iran, Syria và Sudan) với lý do chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un đã "nhiều lần ủng hộ các hành động của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, bao gồm ám sát trên lãnh thổ nước ngoài”. Động thái mới nhất này sẽ cho phép Washington siết chặt chính sách cô lập Bình Nhưỡng.

Chỉ một ngày sau đó, Mỹ tiếp tục ra thông báo về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một loạt thực thể của Trung Quốc và Triều Tiên bị nghi ngờ hỗ trợ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo ông chủ Nhà Trắng, nguyên nhân của quyết định mới nhất là do Triều Tiên trong tháng 8 và tháng 9 đã phóng hai quả tên lửa ra Thái Bình Dương, đồng thời thực hiện vụ thử bom hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 3-9. Theo thông báo do phía Mỹ đưa ra, những đối tượng bị trừng phạt gồm 1 người Trung Quốc và 13 công ty thương mại, trong đó có 4 công ty Trung Quốc, 6 công ty thương mại và vận tải đường biển, cùng 20 tàu biển của Triều Tiên. Theo Bộ Tài chính Mỹ, khi chịu lệnh trừng phạt, tài sản của những đối tượng trên ở xứ Cờ hoa cũng sẽ bị đóng băng và các công dân Mỹ không được tiến hành giao dịch với họ.

 

Việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa trong thời gian qua đã khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại.

Quyết định được tuyên bố của Nhà Trắng nằm trong "chiến dịch gây áp lực tối đa” để cô lập Triều Tiên, với mục đích buộc quốc gia này phải tuân thủ pháp luật, chấm dứt phát triển tên lửa đạn đạo, hạt nhân và ngừng “mọi sự hỗ trợ cho khủng bố quốc tế”. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho hay, Washington đã hết kiên nhẫn chiến lược và khẳng định chiến dịch đang phát huy tác dụng. Trong đó, việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố là bước đi quan trọng tiếp theo. Theo giới phân tích, chính sách này được áp dụng cũng đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ dễ dàng bị đẩy khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Đó sẽ là tiền đề để Mỹ có thể thuyết phục các đối tác điều tra các kênh cung cấp tài chính cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc đưa Triều Tiên quay trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố chỉ mang tính tượng trưng và sẽ không đem lại tiến triển quan trọng. Hành động trên sẽ không tăng được sức ép lên quốc gia này mà trái lại, sẽ càng khó thúc đẩy Bình Nhưỡng đi theo con đường phi hạt nhân hóa. Thực tế, vào năm 2008, chính quyền của Tổng thống Mỹ George Bush đã đưa Triều Tiên ra khỏi danh sách trên với mục đích tạo bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán hạt nhân.

Ngay sau động thái trừng phạt mới, các quốc gia có liên quan đã lập tức thể hiện những quan điểm trái chiều. Triều Tiên đã lên tiếng phản đối gay gắt, cho rằng hành động của Mỹ là sự "khiêu khích nghiêm trọng”, đồng thời cảnh báo các lệnh trừng phạt sẽ không bao giờ buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc tỏ ý hoan nghênh và ủng hộ sự quyết đoán của chính quyền Tổng thống D.Trump. Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang chỉ nhận định rằng, tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay rất phức tạp, nhạy cảm và Trung Quốc mong muốn các bên thực hiện những hành động có lợi để làm dịu tình hình, thúc đẩy tất cả các bên liên quan quay trở lại quỹ đạo đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Với động thái gây nhiều bất ngờ, những tác động từ việc Mỹ đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố sẽ gây nhiều khó khăn về tài chính cho Triều Tiên. Dù chưa thể đánh giá chính xác những hệ quả nảy sinh, nhưng chắc chắn việc Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa hai quốc gia đối địch này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top