Kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế EU - Nhật Bản:

Bắt đầu kỷ nguyên mới

08:11 - Thứ Ba, 12/12/2017 Lượt xem: 4355 In bài viết
Nhằm tạo ra khu vực kinh tế mở lớn nhất thế giới, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản đã ra thông báo về việc hai bên vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Ðối tác kinh tế (EPA), hướng tới mục tiêu ký kết trong năm 2018 và đưa vào thực thi từ năm 2019.

 

Khi Hiệp định EPA có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô Nhật Bản vào thị trường EU sẽ giảm mạnh.

Hồi tuần đầu tháng 7, hai bên đã đạt được sự đồng thuận nguyên tắc, mang tính chính trị về EPA. Trong 5 tháng qua, EU và Nhật Bản đã nỗ lực thúc đẩy đàm phán để thống nhất các nội dung thuế dịch vụ, hợp tác pháp lý hay các biện pháp bảo hộ thực phẩm và đồ uống... để hướng tới mục tiêu ký kết trong năm tới. Tuyên bố chung của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh, EPA giúp mở cửa thị trường EU cho các sản phẩm ô tô và phụ tùng của Nhật Bản và mở cửa thị trường đất nước Mặt trời mọc cho các sản phẩm bơ sữa, nông nghiệp của EU. Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi EPA có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô và phụ tùng từ Nhật Bản vào EU sẽ giảm mạnh, mở ra thị trường mới dồi dào đầy tiềm năng cho các hãng xe hơi nổi danh xứ Hoa anh đào và gây thêm áp lực cạnh tranh lên các nhà máy sản xuất ô tô của Anh sau Brexit. Ngược lại, Nhật Bản sẽ giảm thuế nhập khẩu thực phẩm cho nông dân Châu Âu cung cấp các nông sản như thịt và pho mai.

Theo tính toán, EPA có thể khiến tăng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Nhật Bản lên tới 32,7% trong khi kim ngạch xuất khẩu Nhật Bản sang EU cũng tăng 23,5%. Đây là “mối lợi” đáng kể cho cả hai bên trong bối cảnh có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Một số nhà phân tích kinh tế Châu Âu tin rằng, hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản có thể tác động lớn hơn tới tăng trưởng của khối so với Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà EU đang đàm phán với Mỹ. Hiệp định này cũng mở cửa các thị trường dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, điện tử, viễn thông và vận tải. Ngoài ra, EPA còn mang lại cơ hội cho doanh nghiệp EU được tiếp cận thị trường mua sắm công đầy “màu mỡ” của Nhật Bản tại 48 thành phố lớn và bảo vệ các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm của EU.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU ở Châu Á, sau Trung Quốc, trong khi Châu Âu cũng là một thị trường rất quan trọng đối với Nhật Bản với nhiều khoản đầu tư lớn. Kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 144 tỷ USD vào năm ngoái. Sau EPA, EU và Nhật Bản sẽ tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với 600 triệu người, chiếm tới khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và 1/3 sản lượng toàn cầu.

Thỏa thuận này cũng được coi là câu trả lời mạnh mẽ vào quan điểm bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi phát đi thông điệp rằng tự do thương mại vẫn là xu thế chủ đạo trên thế giới. Theo Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmstrom Malmstrem, EU và Nhật Bản đã gửi lời nhắn nhủ tới toàn thế giới rằng họ vẫn giữ vững niềm tin vào kinh tế mở. Còn chuyên gia cao cấp Junichi Sugawara thuộc Viện Nghiên cứu Mizuho (Tokyo) cho rằng, EPA sẽ đặt các doanh nghiệp Mỹ vào thế bất lợi ở thị trường Nhật Bản, bởi khi đó họ sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp EU ở cùng lĩnh vực kinh doanh.

Đối với EU, thỏa thuận song phương với Nhật Bản là minh chứng cho thấy khối này vẫn còn đủ hấp dẫn với các đối tác lớn. Về phía Nhật Bản, EPA giúp xoa dịu “nỗi buồn” về sự “chết yểu” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau sự rút lui của Mỹ. Thủ tướng S.Abe khẳng định rằng "một kỷ nguyên mới" cho Nhật Bản và EU giờ đây sẽ bắt đầu. Đặc biệt, việc ra đời của hiệp định đối tác kinh tế thương mại mới giữa EU và nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ có tác động tích cực tới thương mại quốc tế trong thời gian tới.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top