Chế tài mạnh để ngăn thực phẩm bẩn

14:31 - Thứ Sáu, 15/12/2017 Lượt xem: 4835 In bài viết
Gần đây, liên tiếp có những thông tin về tình trạng thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, đang khiến người tiêu dùng lo ngại: Một số sản phẩm sữa có nguy cơ nhiễm khuẩn đã nhập về Việt Nam; 100% mẫu thịt heo, thịt gà, thủy sản bày bán ở các chợ được Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm đều nhiễm khuẩn E.coli có thể gây bệnh; quá nửa số nước đá trên thị trường nhiễm khuẩn; nguy cơ ngộ độc, tiêu chảy và nhiễm trùng máu vì ăn phải tôm bơm tạp chất. Ngày 7-12 vừa qua, 150 học sinh Trường Tiểu học An Phú (quận 2, TPHCM) bị nhiễm trùng đường ruột do ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu. Trước đó, ngày 18-11, gần 70 giáo viên, nhân viên trường mầm non song ngữ dự tiệc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại một nhà hàng (ở quận Tân Bình, TPHCM) bị nhiễm trùng đường ruột do ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu.

Nguyên nhân khiến thực phẩm tươi sống bán ở chợ không đảm bảo an toàn vệ sinh là do nhiều loại thịt chưa qua kiểm dịch thú y, giết mổ không đúng quy định; thực phẩm bày bán ở nơi không đảm bảo vệ sinh, bảo quản kém trong lúc bán, hoặc để quá lâu khiến vi khuẩn sinh sôi. Việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng) ở các nhà vườn trồng cây trái; và lạm dụng các chất phụ gia, hóa chất trong sản xuất thực phẩm, nước giải khát rất phổ biến. 

Thực phẩm không an toàn vệ sinh không chỉ gây ra các bệnh cấp tính, mà còn gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư. Trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống. Thế nhưng đang có những bất cập về pháp lý, quản lý, thanh tra giám sát vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm. Thật đáng lo ngại về sự thiếu lương tâm nghề nghiệp và thiếu ý thức bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở nhiều nhà sản xuất, chế biến, cung ứng thực phẩm. 

Nhiều người hoang mang rằng thời bây giờ ăn thịt, thủy sản, rau quả, hay ăn chay, uống sữa… đều thấy không an toàn vệ sinh, vậy chẳng lẽ nhịn ăn? Không đến nỗi đây là bài toán không thể có lời giải, nhưng thực sự là bài toán khó, đòi hỏi sự huy động tổng lực, dài hạn, để chấn chỉnh về quản lý và nhận thức, tạo sự chuyển biến toàn diện và căn cơ trong việc giữ an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy phải bắt đầu từ đâu? Từ chính người tiêu dùng! Khi mỗi người tiêu dùng đều là người tiêu dùng thông minh, biết tẩy chay những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, biết tẩy chay những hàng quán không đảm bảo an toàn vệ sinh, không mua thực phẩm bán ở vỉa hè, biết cẩn thận trong khâu bảo quản và chế biến thức ăn ở gia đình, thì đã chủ động phòng ngừa cho mình nguy cơ nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm, rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể. 

Nhưng như vậy cũng chưa đủ. Vụ phát hiện hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ trước đây, cho thấy nếu như các cơ quan chức năng liên quan buông lỏng kiểm tra quản lý thì nguồn thịt này đã ra thị trường, nằm trên quầy thịt của các siêu thị, mà người tiêu dùng không thể nào biết được có tồn dư thuốc an thần. Không chỉ bảo đảm an toàn vệ sinh với nguồn thịt cá đưa ra thị trường, Bộ NN-PTNT cần kiểm tra, chấn chỉnh, ngăn chặn ngay từ khâu chăn nuôi, xử lý nghiêm những trường hợp nhập loại bột xương thịt làm phân bón về để làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc; lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng trong chế biến thức ăn gia súc; thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; hoặc tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ. Đồng thời tiếp tục mở rộng chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt cho các đô thị lớn; nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

Cần tăng cường quản lý, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt. Bất cứ trường hợp nào phát hiện không đảm bảo an toàn vệ sinh là kiên quyết tiêu hủy, xử phạt nghiêm, công bố cho người tiêu dùng biết, thậm chí buộc dừng sản xuất, đóng cửa. Khi đó, các nhà vườn, nhà sản xuất, chế biến, các hàng quán và các tiểu thương sẽ biết phải tự cứu mình bằng cách chỉ cung ứng thực phẩm sạch. Để có thể làm được như vậy, hành lang pháp lý trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần được hoàn thiện hơn, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý có thể xử lý hiệu quả và nhanh chóng. Cùng với cơ chế thoáng, cho phép các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng vệ sinh thực phẩm bán ra thị trường, cũng đồng thời áp dụng cơ chế giám sát toàn diện, chi tiết và áp dụng mức phạt nặng với những tổ chức cá nhân không tuân thủ quy định.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top