Chính phủ điện tử và trở ngại tư tưởng

15:56 - Thứ Năm, 18/01/2018 Lượt xem: 3616 In bài viết
Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT, Bộ TT-TT cho biết, đến nay các bộ, ngành đã cung cấp 1.357 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 - 4, xử lý 70,9 triệu hồ sơ trong năm 2017. Các địa phương cung cấp 31.659 dịch vụ công cấp độ 3-4, xử lý 6,5 triệu hồ sơ. Một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã có cổng dịch vụ công trực tuyến, tập trung một số bộ ngành như Bộ Công thương, TN-MT, NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Còn lại các bộ, ngành khác, các dịch vụ công trực tuyến chủ yếu được cung cấp riêng lẻ theo từng cơ quan, đơn vị trực thuộc. Về tình hình triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng của quốc gia, khó khăn nổi bật là các bộ, ngành vẫn tiếp tục đề xuất nhiều CSDL không thuộc danh mục ưu tiên làm phân tán nguồn lực; cơ sở pháp lý của các CSDL quốc gia chưa đồng bộ, hoàn thiện; việc triển khai CSDL chuyên ngành, địa phương có phạm vi chồng lấn với CSDL quốc gia. Đáng chú ý, việc kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ cải cách hành chính, các CSDL giữa các bộ, ngành với nhau cũng như giữa bộ, ngành với địa phương rất hạn chế, không có kết nối chia sẻ trực tiếp. Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng nguyên nhân chính khiến các bộ, ngành, địa phương không chịu kết nối, chia sẻ là tính cục bộ và thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT cho rằng, ứng dụng CNTT cần tập trung vào một số lĩnh vực được người dân quan tâm nhiều nhất: học tập, nâng cao kiến thức; sức khỏe; thông tin, giải trí. Xây dựng CSDL phải gắn với dịch vụ cụ thể, thực hiện bằng phương thức thuê dịch vụ CNTT. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng đến nay dịch vụ công cấp 3 chưa đến 10%, cấp 4 chưa đến 1%, liệu năm 2018 các bộ có tăng được gấp đôi số dịch vụ công cấp độ 3 - 4?... “Cần quán triệt tinh thần đẩy mạnh ứng dụng CNTT bằng những việc rất cụ thể, làm cho bằng được, tránh tình trạng nói rất nhiều nhưng không chuyển, nói chung chung không ai làm. Các bộ, ngành ở Trung ương phải đi đầu, muốn doanh nghiệp tốt thì Chính phủ phải gương mẫu làm trước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đồng thời cũng khẳng định Chính phủ khuyến khích các bộ, ngành, địa phương thuê dịch vụ CNTT. Không phải là thuê máy, thuê phần mềm mà là thuê dịch vụ cuối cùng. Cần phải bỏ ngay cách nghĩ “thuê doanh nghiệp làm thì không đảm bảo an ninh”. Muốn đảm bảo an toàn thông tin, cần phải đưa đầu bài ngay khi bắt đầu thuê dịch vụ CNTT. Hiện nay, việc thuê dịch vụ CNTT có thể còn vướng về luật pháp, vướng về thủ tục, vướng về giá thuê, nhưng vướng nhất vẫn là “tư tưởng”! 

Trong nhiều năm qua, việc ứng dụng CNTT gắn liền với cải cách hành chính, từng bước hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn đã được khẳng định và không ai phủ nhận được. Vậy đâu là những vấn đề “tư tưởng” đã và đang làm khó, cản trở việc ứng dụng cũng như phát triển CNTT của nước nhà? Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc ứng dụng CNTT ở các địa phương, các bộ, ngành, quan trọng nhất là bộ máy phải chấp nhận thay đổi và chấp nhận mọi thứ được công khai minh bạch. Ví dụ, trước đây một người xử lý tài liệu “ngâm cả tháng” không ai biết, khi đưa CNTT vào, ai chậm, ai lười sẽ lộ ra ngay. Đó là về thời gian, đưa CNTT vào cũng sẽ góp phần giảm đi những chuyện “mờ ám”. Sẽ không có chuyện hôm nay phê “đồng ý” nhưng phải ghi thêm “cần lưu ý”, CNTT sẽ làm cho mọi việc được giải quyết minh bạch hơn. Cũng theo Phó Thủ tướng, những người làm CNTT cũng phải sửa bằng được thói quen suy nghĩ “ta là người giỏi nhất”. Ở cấp địa phương, thậm chí là bộ, ngành, dù giỏi CNTT đến đâu thì mấy năm sau cũng không thể cập nhật tất cả các kiến thức mới nhất ở bên ngoài được. Làm CNTT không như làm một con đường, nếu năm nay ta làm con đường có ít xe đi, năm sau con đường đó nó còn nguyên. Với CNTT, chúng ta mua máy tính, máy chủ, mua phần mềm, bỏ tiền làm dữ liệu nhưng không ra được dịch vụ, một hai năm sau giá trị mua máy, thuê làm dữ liệu đó chỉ còn giá trị một nửa, thậm chí còn bằng 0. Đó là một sự lãng phí lớn. Một thực tế đã và đang diễn ra, rất nhiều cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp khi nói đến CNTT đều tự mình làm. Tự lập dự án, tự mua sắm, tự xây dựng, tự vận hành… Có nhiều lý do để giải thích những chuyện đó, nhưng một điểm bao trùm lên, như nhiều người từng đề cập, “có dự án thì mới phần trăm”! Đó là chính những vấn đề “tư tưởng” khiến việc ứng dụng CNTT, đi thuê dịch vụ CNTT bị trì trệ, chậm thay đổi; và việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử cũng bị chậm, trì trệ theo!

Trong những năm qua, những doanh nghiệp CNTT lớn của đất nước như Viettel, VNPT, FPT… đã cung cấp hàng loạt dịch vụ CNTT cho bất cứ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu; từ lĩnh vực giáo dục, y tế, đến thuế, hải quan, rồi quản trị doanh nghiệp, văn bản, chữ ký điện tử, máy chủ, đường truyền… Chắc chắn một điều rằng, các dịch vụ do những doanh nghiệp này cung cấp, phát triển sẽ tốt hơn nhiều so với việc các dịch vụ tương tự mà các bộ, ngành, tổ chức tự làm. Đã đến lúc, các bộ, ngành, địa phương phải sớm thay đổi “tư tưởng” về việc ứng dụng CNTT, lập CSDL và chia sẻ dữ liệu dùng chung.

Không cần phải chi hàng chục thậm chí hàng ngàn tỷ đồng để làm CSDL, xây dựng và vận hành hệ thống CNTT, mà nên thuê doanh nghiệp đủ năng lực làm. Có như vậy mới bớt lãng phí, quan trọng hơn là việc ứng dụng CNTT sẽ được đẩy nhanh, đồng bộ và hiện đại. Để rồi thủ tục hành chính được cải cách triệt để, chính phủ điện tử vận hành ở các cấp, tất cả đều minh bạch, công khai, còn người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn! 

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top