Lo nhiều hơn vui

16:33 - Thứ Hai, 29/01/2018 Lượt xem: 5496 In bài viết
Một tuần trôi qua kể từ khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình môn học mới, dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm học 2019 - 2020 theo hình thức cuốn chiếu ở tất cả bậc học phổ thông, nhưng ngay cả giới nhà giáo cũng ít quan tâm. 

Tại TPHCM, kết quả khảo sát nhanh 20 giáo viên chia đều cho các bậc học cho thấy, chỉ có khoảng một nửa thầy, cô giáo đã đọc dự thảo chương trình các môn học, trong đó chỉ một người để lại ý kiến đóng góp. Số này tập trung ở hai bậc trung học phổ thông và trung học cơ sở - hai bậc học có sự đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu môn và nội dung kiến thức. Những người còn lại khi được phỏng vấn đều cho biết còn mơ hồ trong việc tiếp nhận chương trình mới nên chưa tham gia đóng góp ý kiến. Hầu hết giáo viên đều bày tỏ tâm lý lo lắng, e ngại nhiều hơn vui. 

Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TPHCM cho biết, nhìn chung nội dung chương trình các môn học đã có sự chuyển biến rất rõ ràng, giảm số lượng đơn vị kiến thức, tăng yêu cầu về thực tế trải nghiệm. Song, vị này cũng cho rằng một số kiến thức chỉ hoán chuyển đơn thuần về mặt vị trí, như đưa từ lớp dưới lên lớp trên hoặc ngược lại chứ chưa có sự lồng ghép, thay đổi đáng kể về mặt nội dung. Ở một số môn như Toán học, chương trình vẫn thiết kế theo trục “đồng tâm”, tức kiến thức của lớp dưới sẽ được nhắc lại ở lớp trên với mức độ cao hơn. Riêng yêu cầu về sĩ số và thời gian tổ chức lớp học, có ít nhất 3 quận ở TPHCM cho rằng khó thực hiện được trong năm học 2019 - 2020. 

Đại diện Phòng GD-ĐT quận Bình Tân bày tỏ: “Chuẩn 35 học sinh/lớp là con số đáng mơ ước nhưng trong vòng hai năm tới, chúng tôi chưa thể thực hiện do áp lực tăng dân số cơ học quá lớn”. Ngoài ra, yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày của chương trình phổ thông mới cũng được nhiều nơi xem là mục tiêu lý tưởng nhưng khó lòng vươn tới vì tỷ lệ này nhiều năm qua ở TPHCM đang có chiều hướng giảm. Một số nơi như quận 12, Bình Tân, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày chiếm tỷ lệ chưa đến 50%.  

Đặc biệt, quan tâm lớn nhất của đội ngũ làm công tác giáo dục hiện nay là vấn đề sắp xếp, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 11-2017, cả nước đang thừa 9.246 giáo viên ở bậc THCS và 8.874 giáo viên ở bậc THPT. Tại TPHCM, mỗi năm cần tuyển thêm trên dưới 4.000 giáo viên, tập trung đông ở bậc tiểu học. Trong đó, một số môn như Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật... tuyển quanh năm vẫn không đủ giáo viên. Trong khi đó, ở hai bậc THPT và THCS, một số môn chính như Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học lại có xu hướng dư thừa giáo viên. Từ thực tế đó, yêu cầu sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự trở thành bài toán khó, không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, bộ này sẽ có 8 ngày thực hiện bồi dưỡng giáo viên tập trung theo chương trình phổ thông mới. Cụ thể mỗi môn ở mỗi bậc học được cử hai giáo viên nòng cốt đối với một tỉnh, thành phố. Sau đó, các địa phương sẽ có chương trình bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên. Dự kiến bồi dưỡng đại trà được triển khai từ quý 2-2019. Riêng yêu cầu về giảng dạy tích hợp, cuối năm 2018 bộ sẽ mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn trong thời gian một tuần. Giáo viên được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp sư phạm để dạy môn chung tích hợp từ một nhóm các môn học riêng lẻ. Theo tính toán, mỗi giáo viên sẽ phải hoàn thành 20 tín chỉ (15 tiết/tín chỉ). Như vậy, khối lượng công việc trước mắt còn quá nhiều, phạm vi trải rộng trong khi thời gian chuẩn bị chỉ còn hơn một năm nữa khiến người lạc quan nhất cũng cảm thấy lo lắng. 

Một khó khăn nữa là với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, việc chuyển từ hình thức giảng dạy đơn môn thành dạy học đa môn (tích hợp Lịch sử và Địa lý, gộp chung các môn Vật lý - Hóa học - Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên…) khiến các trường lo ngại các phòng thực hành, phòng chức năng hiện có tiếp tục sử dụng được không hay phải đầu tư mới? Số liệu thống kê nhu cầu phòng học cần xây mới đáp ứng chương trình giáo dục mới từ Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, Bộ GD-ĐT là rất lớn. Theo đó, trong vòng chưa đầy 20 tháng nữa, cần hoàn thành nhiệm vụ xây mới, bổ sung thêm 57.084 phòng học cho cả ba bậc học và nhiều hạng mục khác cần bổ sung, thay thế như trang thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, thư viện? 

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chuẩn trình độ giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục mới. Bởi một khi chuẩn chung chưa có mà công tác chuẩn bị đã “chạy đà” sẽ khó tránh khỏi tình trạng làm cho có, mỗi nơi một kiểu, gây lãng phí công sức, thời gian và tiền bạc của nhân dân. 

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top