Nguy cơ căng thẳng quan hệ Nga - Anh

08:26 - Thứ Ba, 20/03/2018 Lượt xem: 5194 In bài viết
Đúng với dự đoán, sau khi Anh ra quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao của Nga do cáo buộc Mátxcơva đứng sau vụ ám sát cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông bằng chất độc thần kinh, vào cuối tuần qua, Điện Kremlin đã đưa ra động thái đáp trả tương tự. Điều này có nguy cơ đẩy quan hệ hai nước lún sâu vào căng thẳng chưa từng có trong vòng 30 năm qua.

Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ mọi cáo buộc của London về việc Mátxcơva liên quan đến vụ đầu độc. Ông chủ Điện Kremlin cho biết thêm, Nga không có loại chất độc như Anh tố cáo. Tất cả vũ khí hóa học của Nga đã được tiêu hủy dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Nga thông báo quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, đồng thời rút giấy phép hoạt động của Tổng lãnh sự Anh tại TP Saint Petersburg, cũng như ngừng hoạt động của Hội đồng Anh tại Nga.

 

Anh tích cực điều tra và thu thập chứng cứ tại hiện trường vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc.

Căng thẳng giữa hai nước bùng phát vào ngày 4-3, khi cựu điệp viên Nga Skripal và con gái được tìm thấy trong trạng thái bất tỉnh trong công viên tại TP Salisbury, Tây Nam nước Anh. Hai người đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Ông Skripal từng bị cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản quốc, đồng thời bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu. 6 năm sau đó, cựu điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên rồi chuyển tới xứ sở Sương mù sinh sống.

Vụ việc lần này khiến nhiều người lập tức liên tưởng tới vụ ám sát cựu điệp viên cơ quan Tình báo quốc gia Nga (FSB), trước gọi là KGB, Alexander Litvinenko tại Anh năm 2006. Khi đó, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga nhằm phản đối Tổng thống V.Putin từ chối dẫn độ hai công dân Nga là Lugovoi và D.Kovtun, bị tình nghi là thủ phạm ám sát Litvinenko. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga cũng trục xuất 4 nhà ngoại giao xứ Sương mù.

Các nhà phân tích cho rằng, từ lâu Anh và Nga đã mất lòng tin lẫn nhau sau nhiều cáo buộc về các vụ ám sát liên quan tới điệp viên. Năm 1971, Anh cáo buộc một mạng lưới điệp viên Liên Xô hoạt động tại nước này và ra lệnh trục xuất 91 nhà ngoại giao Liên Xô bị nghi là sĩ quan tình báo. Mátxcơva đã bác bỏ cáo buộc của London, đồng thời đưa ra động thái trả đũa tương tự, đẩy quan hệ hai bên xuống mức thấp kỷ lục và tình hình chỉ được cải thiện sau khi Chiến tranh Lạnh khép lại. Các nhà phân tích cho biết, số lượng nhà ngoại giao Nga bị trục xuất lần này không nhiều như năm 1971 nhưng tác động lại lớn hơn. Theo tạp chí The Atlantic, đội ngũ nhà ngoại giao Nga ở London hiện có 58 người và đến tuần sau con số này sẽ giảm 40%. Trong vụ việc năm 1971, số lượng nhà ngoại giao Liên Xô bị trục xuất chỉ chiếm 16% trong số 550 người.

Hiện tại, kinh tế Nga vẫn còn gặp nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong khi đó, Chính phủ Anh cũng đang nỗ lực tìm kiếm và mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác với các nước sau quyết định rời khỏi EU. Mặc dù quy mô hạn chế so với các quốc gia khác như Đức hay Mỹ, nhưng quan hệ thương mại Anh - Nga không kém phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của mỗi nước. Nhiều ý kiến cho rằng, căng thẳng leo thang giữa Mátxcơva và London có thể đưa tới những hệ lụy tiêu cực trong hợp tác kinh tế song phương.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top