Bịt lỗ hổng trong thanh toán trực tuyến

14:41 - Thứ Ba, 20/03/2018 Lượt xem: 6005 In bài viết
Liên quan đến vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố”, Bộ Công an cho rằng, đang tồn tại lỗ hổng lớn trong quản lý thẻ cào viễn thông, thẻ game, hoạt động trung gian thanh toán. 

Hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. Theo ước tính, tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VinaPhone, MobiFone) được hưởng 15,5% - 16,3% (khoảng 1.402 tỷ đồng). Theo Bộ Công an, việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào viễn thông lỏng lẻo đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến. 

Vậy, trách nhiệm của các nhà mạng viễn thông trong vụ việc này như thế nào và đến đâu? Đại diện các nhà mạng biện luận rằng, khi ký kết hợp đồng với các đối tác cung cấp nội dung, tất cả đều cam kết hoạt động đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ được pháp luật cho phép. Khi 1 thẻ cào di động được cào và kích hoạt, nhà mạng nhận dạng seri và mật mã thẻ cào đồng thời biết số tiền (mệnh giá thẻ cào) chuyển về cổng thanh toán của ai, cho đối tác nào đã ký kết hợp tác. 

Các nhà mạng xem đó là dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng viễn thông của mình cung cấp. Hàng tháng, 2 bên sẽ tiến hành đối soát và thanh toán cho nhau theo hợp đồng đã ký kết. Điểm mấu chốt là số tiền (chuyển qua thẻ cào) khi đã đưa về cổng thanh toán trung gian và đối tác, thì nhà mạng không thể kiểm soát được số tiền đó được dùng làm gì, chuyển đi đâu. Nói cách khác, dòng tiền này gần như không ai giám sát được sử dụng vào việc gì, trừ đối tác cung cấp nội dung nhận được dòng tiền đó. Nhà mạng chỉ biết nếu thuê bao sử dụng số của mình để kích hoạt nạp thẻ cào là ai, ở đâu, nạp bao nhiêu tiền.

Tương tự chuyện sử dụng thẻ cào, thời gian qua, hàng loạt ví điện tử ra đời đã cho phép nạp thẻ cào điện thoại để sử dụng thanh toán, giao dịch mà không thông qua hình thức thanh toán tài khoản, giám sát của bất kỳ hệ thống ngân hàng nào. Đây chính là một kiểu giao dịch “tiền ảo” và có thể coi là yếu tố quan trọng “hỗ trợ” cho các hoạt động trái pháp luật như: rửa tiền, trốn thuế, đánh bạc trực tuyến.

Thực tế, việc dùng thẻ cào viễn thông để thanh toán các loại dịch vụ đang được người dân ưa dùng bởi tính tiện lợi như: trả tiền dịch vụ viễn thông, tiền điện nước, tiền truyền hình cáp, mua phim ảnh, nghe nhạc online… Thế nhưng, chính do sự tiện lợi và quản lý lỏng lẻo, nên việc thanh toán thẻ cào viễn thông đã bị lợi dụng. Vấn đề đặt ra là Bộ TT-TT cần có chế tài, quy định để các nhà mạng như: Viettel, VinaPhone, MobiFone phải có trách nhiệm trong việc phát hành và quản lý dòng tiền phát sinh từ thẻ cào do mình phát hành. Ví dụ thẻ cào viễn thông chỉ được dùng thanh toán cước viễn thông, mua các dịch vụ do chính nhà mạng phát hành thẻ cung cấp. Việc thanh toán các dịch vụ công ích, với những dịch vụ giá trị gia tăng của nhà cung cấp nội dung thì phải có điều kiện đi kèm (ví dụ như phải qua 1 tài khoản ngân hàng). Đại diện một nhà mạng cho biết, nếu Bộ TT-TT quy định về quản lý thẻ cào chặt chẽ, chỉ cho phép dùng vào những mục đích nhất định, chắc chắn các nhà mạng phải tuân theo và khi đó, sẽ hạn chế rất nhiều việc lợi dụng vào mục đích xấu như vụ án nêu trên. 

Các chuyên gia cho rằng, để bảo đảm lành mạnh trong hoạt động thanh toán điện tử, chống tội phạm rửa tiền, các cơ quan chức năng cần phối hợp tiến hành thanh tra hoạt động của các đơn vị thanh toán trung gian đang chấp nhận hình thức nạp tiền bằng thẻ cào. Bởi mô hình này nếu tiếp tục được tồn tại dễ dàng tạo ra những hệ lụy nguy hiểm và là kẽ hở cho các loại tội phạm rửa tiền, hay cờ bạc trực tuyến.

Gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ TT-TT, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, trong tháng 5 tới báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trên internet, đặc biệt là các hoạt động thanh toán liên quan tới hành vi phạm pháp. Rõ ràng, những khoảng trống pháp lý trong quản lý thẻ cào cũng như cổng thanh toán trung gian cần sớm được làm rõ, bổ sung, từ đó ngăn chặn những hệ lụy tiêu cực nếu có xảy ra và trách nhiệm của các bên liên quan không còn mơ hồ như hiện nay.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top