Tín hiệu tích cực cho hòa bình Syria

09:19 - Thứ Ba, 17/04/2018 Lượt xem: 5277 In bài viết
Trong ngày 16-4, các thanh sát viên quốc tế của Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học (OPCW) đã tới Syria để điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, vốn là cái cớ để Mỹ cùng đồng minh không kích Syria. Động thái trên được xem là tín hiệu tích cực nhằm làm giảm xung đột leo thang và tìm kiếm giải pháp hòa bình đối với quốc gia này.

Truyền thông quốc tế nhận định, đến nay vẫn chưa có chứng cứ xác thực nào khẳng định sự hiện diện của vũ khí hóa học tại các mục tiêu bị bắn phá. Nga cũng khẳng định sẽ đi đầu trong việc ngăn cản chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra đánh giá cần thiết về vụ tấn công và loại bỏ khả năng lặp lại.

 

Binh lính quân đội Syria kiểm tra thiệt hại tại một trong các công trình bị tên lửa phá hủy.

Về phần mình, các nước phương Tây cho rằng, cuộc không kích vừa qua không phải là sự tuyên chiến với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên, gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để mở đường cho tiến trình chuyển giao chính trị toàn diện tại quốc gia Trung Đông này. Ông Macron khẳng định, giờ đây ưu tiên hàng đầu của Pháp, Mỹ và Anh là "chuẩn bị cho một giải pháp chính trị thay thế lâu dài, cho phép một sự chuyển đổi trong khuôn khổ Hiến pháp”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định, tuy vẫn quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn rút quân đội nước này tại Syria về nước ngay khi có thể. Washington hy vọng các đồng minh và đối tác khu vực đảm đương trách nhiệm lớn hơn, cả về mặt quân sự lẫn tài chính, để bảo đảm an ninh. Vào lúc này, Mỹ, Anh, Pháp đang thúc đẩy một nghị quyết mới của HĐBA LHQ gồm 4 điểm, được giới quan sát cho rằng nhằm giành lại thế chủ động sau thời gian dài mờ nhạt tại chiến trường Syria.

Trong bối cảnh đó, dư luận quốc tế bày tỏ mong muốn các bên liên quan nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán, tìm ra giải pháp giúp đất nước Syria sớm chấm dứt bạo lực, tìm kiếm một lối đi hòa bình bền vững và vì người dân. Một ngày sau cuộc tấn công của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria, Giáo hoàng Francis kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thúc đẩy các nỗ lực nhằm mang lại hòa bình cho Syria, đồng thời bày tỏ quan ngại khi các nước không nhất trí được một kế hoạch chung nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm tại quốc gia Trung Đông này. Cùng ngày, Qatar cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để bảo vệ dân thường Syria.

Lãnh đạo nhiều nước Châu Âu cũng tuyên bố ủng hộ các nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Với nhận định không một giải pháp quân sự nào có thể giúp giải quyết cuộc xung đột, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình về Syria do LHQ bảo trợ, nhằm ngăn chặn đổ máu tại quốc gia này. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Guy Parmelin cho rằng, cần tôn trọng các quy tắc mà cộng đồng quốc tế đã nhất trí đưa ra, đồng thời kêu gọi tất cả các bên trở lại bàn đàm phán. Đáng chú ý, cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi nhấn mạnh tới vai trò của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây, khi cho rằng việc Mátxcơva hỗ trợ Damascus chống khủng bố đã mang lại hòa bình và ổn định ở Syria.

Theo nhận định của giới quan sát, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học cử thanh sát viên quốc tế đến Syria vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, chỉ có như vậy mới làm sáng rõ mối nghi ngờ về vụ tấn công hóa học vừa qua. Hơn thế nữa, giải pháp bền vững cho cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể đạt được thông qua con đường ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top