Khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống

14:54 - Thứ Ba, 15/05/2018 Lượt xem: 5510 In bài viết
Sau 6 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bế mạc vào ngày 12-5 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, bởi hội nghị lần này đã bàn và quyết nghị những vấn đề hết sức quan trọng của đất nước.

Hội nghị đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đây thực sự là 3 vấn đề lớn của quốc gia mà toàn thể nhân dân đều quan tâm.

Trong đó, Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 với rất nhiều điểm mới được người dân đón nhận và dành sự quan tâm đặc biệt. Nghị quyết có sự đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ, theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm.

Từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương... Điểm nhấn của nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Bên cạnh đó, Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương cũng là một nội dung được cả xã hội theo dõi, đón chờ với nhiều điểm mới quan trọng so với các lần cải cách trước đây. Bao lâu nay, chính sách tiền lương, nhất là ở khu vực công có quá nhiều bất cập. Vì vậy, cải cách tiền lương lần này với quan điểm tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động; cải cách chính sách tiền lương gắn liền với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc làm cơ sở để tăng lương… sẽ giải tỏa được những bức xúc lâu nay về chính sách tiền lương. Một chính sách tiền lương đúng cũng sẽ tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Có thể nói, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đã quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, vì thế nhân dân rất mong Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngay sau khi hội nghị kết thúc sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng bộ hơn với quyết tâm cao hơn để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Mỗi một Ủy viên Trung ương Đảng, ở từng cương vị của mình cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết của Trung ương lần này. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, để thực hiện có kết quả nghị quyết, từ trên xuống dưới đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm cho nghị quyết lần này thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy được, cảm nhận được.

Rõ ràng, những đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, nhất là yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý đất nước phải ở một tầm cao. Trong khi đó, những vấn đề trong công tác cán bộ như tham nhũng, quan liêu, chệch hướng… đã và đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Việc Trung ương đưa vấn đề cán bộ ra bàn thảo ở kỳ họp này còn nhằm sửa chữa khuyết điểm trong công tác cán bộ thời gian qua, khi nhiều cán bộ, kể cả cán bộ ở tầm chiến lược bị kỷ luật, xử lý bằng pháp luật, đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, sơ hở, thậm chí là lựa chọn sai cán bộ. Trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XII, nhân dân mong Đảng ta sẽ hoàn thành một bước việc thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế.

Từng bước khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và lựa chọn cán bộ cấp chiến lược sao cho đúng bởi đó là khâu mang tính quyết định đến đường hướng phát triển của đất nước, của cách mạng và cũng là vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ… là yêu cầu đối với hội nghị Trung ương lần này. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 7, nếu giải quyết được vấn đề này, chúng ta có thể yên tâm về sự phát triển của công cuộc đổi mới sẽ vững chắc hơn và tốt đẹp hơn. Đó là lý do mà toàn xã hội đang mong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 sẽ được đưa vào cuộc sống trong thời gian sớm nhất.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top