Chặn trục lợi qua “sân sau”

10:39 - Thứ Tư, 06/06/2018 Lượt xem: 6475 In bài viết
Một trong những sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khiến Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng là khi ở cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Thanh đã ký một số quyết định của UBND tỉnh thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình. Trước đó, trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, chủ tịch hội đồng thành viên. Hành vi này được xác định là vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tại dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được trình ra Quốc hội, nội dung quan trọng được đưa vào dự thảo là mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tư pháp - đều tán đồng và cho rằng, việc mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng… là cần thiết vì hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông, do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Bởi khu vực công - tư có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và trong nhiều trường hợp, khu vực tư chính là nơi “trú ẩn” nạn rửa tiền, “sân sau” của những quan chức có hành vi tham nhũng trong khu vực công.

Tham nhũng trong khu vực tư không những ảnh hưởng đến khu vực công mà còn đến toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Bởi lẽ, khi các hành vi có dấu hiệu tham nhũng mang tính phổ biến, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dè dặt đưa ra các quyết định đầu tư, do họ không thể dự báo được những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh. Người dân thì chịu thiệt vì những chi phí “bôi trơn” sẽ được đưa vào giá thành sản phẩm, dịch vụ.

Câu chuyện chạy dự án, chạy vốn, chạy quan hệ không còn xa lạ với doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp xem việc có được mối quan hệ và trở thành “sân sau” của các quan chức còn quan trọng hơn cả việc phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình. Trở thành “sân sau” của quan chức cũng có nghĩa doanh nghiệp đó mang theo  một sức mạnh vô hình, một lợi thế lớn, có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh khác. Trong một đề tài nghiên cứu khoa học được đưa ra cách đây vài năm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cảnh báo một thực tế rất đáng lo ngại, đó là nhiều cán bộ đảng viên cấp trung ương có quan hệ không bình thường với doanh nghiệp để trục lợi. Ở cấp tỉnh, thành, cấp huyện cũng có biểu hiện này, nhưng thấp hơn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận diện đây là một dạng tham nhũng đặc biệt.

Hiện nay, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đang trở thành mối đe dọa lớn đối với Đảng, Nhà nước. Việc lập, tham gia vào doanh nghiệp “sân sau” của không ít cán bộ hiện nay là rất nguy hiểm khi họ coi việc tham gia hệ thống lãnh đạo như là một cửa kinh doanh. Những người bỏ tiền để thực hiện “chi phí đầu vào” thì khi có quyền, họ sẽ tìm mọi cách để tham nhũng, hoàn vốn, kiếm lời thông qua “sân sau” là các doanh nghiệp của mình hoặc người liên quan. Do đó, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, dự thảo luật cần phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ, tăng cường giám sát với những người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm giải trình với những nguồn gốc tài sản, thu nhập chênh lệch; chế tài nghiêm khắc xử lý với những người kê khai không trung thực… 

Về lâu dài, giải pháp đột phá vẫn là công tác cán bộ vì con người vẫn là yếu tố quyết định để phòng, chống tham nhũng. Vì thế cần có cơ chế tuyển chọn, thi tuyển để người có năng lực vào làm việc, cống hiến trong bộ máy. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá cán bộ nhằm ngăn ngừa, phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực… Có như vậy mới giảm thiểu được những cá nhân nhân danh lợi ích quốc gia, của Đảng, Nhà nước để trục lợi.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top