Bình luận - Phê Phán

Quản lý các chương trình nghệ thuật - giải trí xã hội hóa

09:17 - Thứ Ba, 09/10/2018 Lượt xem: 29294 In bài viết
Những năm gần đây, phương thức xã hội hóa đã góp phần làm sôi động thị trường nghệ thuật biểu diễn với sự xuất hiện ngày càng nhiều chương trình nghệ thuật - giải trí cả về số lượng lẫn quy mô, đem thêm nhiều cơ hội thụ hưởng văn hóa cho công chúng. Nhưng cũng từ đây đã bộc lộ một số “lỗ hổng” trong khi tổ chức, quản lý, giám sát các chương trình này, và đòi hỏi cần được xử lý bằng các giải pháp cụ thể, đồng bộ.

Trong bối cảnh hội nhập, ở nhiều lĩnh vực, xã hội hóa được coi là “chìa khóa” quan trọng nhằm tăng cường cao nhất hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ. Với văn hóa - nghệ thuật cũng không phải là ngoại lệ. Sự huy động thêm các nguồn lực của xã hội cùng đầu tư cho các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hóa, đã góp phần tạo điều kiện để văn hóa phát triển mạnh, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Không thể phủ nhận, những năm qua, phương thức này đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, mang tới luồng sinh khí mới cho diện mạo văn hóa nước nhà mà có lẽ dễ thấy nhất là ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Chỉ tính riêng ở TP Hồ Chí Minh, qua bốn năm thực hiện, giá trị nguồn thu từ xã hội hóa văn hóa đã tăng gấp 10 lần: từ 2,8 tỷ đồng năm 2014 lên 28,6 tỷ đồng năm 2017.

Điều này lý giải sự bùng nổ số chương trình nghệ thuật - giải trí được xã hội hóa những năm qua ở nước ta. Nhưng cũng cần phải nói rằng, đi kèm với sự bùng nổ này là một số bất cập trong việc bảo đảm chất lượng nghệ thuật, tác động môi trường văn hóa, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn cho các chương trình. Vụ việc bảy thanh niên bị chết tại lễ hội âm nhạc điện tử “Du hành tới mặt trăng” (Trip to the Moon) tại Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) vừa qua thật sự là hồi chuông báo động cho sự lỏng lẻo trong khâu tổ chức, quản lý, giám sát các chương trình nghệ thuật - giải trí xã hội hóa. Đến thời điểm này, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng khi một sự kiện quy mô, thu hút hàng nghìn khán giả được cấp phép, diễn ra tại một tụ điểm văn hóa nổi tiếng ở Thủ đô mà khâu kiểm soát an ninh lại rất thiếu cẩn trọng. Đáng lưu tâm là các nạn nhân được đưa tới bệnh viện cấp cứu đều dương tính với ma túy. Chưa kể việc bóng cười được bán công khai tại sự kiện, khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an đã thu giữ hàng chục bình bơm khí N2O, hàng trăm quả bóng cười đã sử dụng, cùng các tinh thể mầu trắng, viên nén nghi là ma túy tổng hợp…

Vụ việc đã được Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ. Tuy nhiên hậu quả mà ai cũng thấy là thay vì diễn ra một chương trình văn hóa với nhiều ý nghĩa cho lớp trẻ đã bỗng chốc biến thành môi trường tiêu thụ “hàng cấm”, để một số bạn trẻ vui chơi quá đà với chất kích thích phải nhận hậu quả cay đắng… Bên cạnh tình trạng buông lỏng, lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, không bảo đảm an ninh trật tự, thời gian qua, không ít chương trình nghệ thuật - giải trí còn tổ chức “chui”. Giữa năm 2015, một nam sinh chết do bị điện giật khi tham gia một đêm nhạc hội không được cấp phép ở Hải Phòng. Giữa năm 2017, đoàn thanh tra liên ngành TP Vũng Tàu đã đình chỉ cuộc thi “Sắc đẹp và trí tuệ” do đơn vị tổ chức không trình được bất cứ giấy phép nào liên quan. Đến giữa năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải yêu cầu đơn vị cho thuê địa điểm cúp cầu dao điện để dừng cuộc thi “Duyên dáng Doanh nhân Việt 2018” ngay trước thời điểm công bố các giải thưởng cao nhất vì cuộc thi không được cấp phép. Tình trạng coi thường luật pháp, không chỉ thể hiện qua một số đơn vị ngang nhiên tổ chức sự kiện không cần giấy phép của cơ quan chức năng, mà còn ở việc một số đơn vị đã được cấp phép song lại thực hiện thêm các hạng mục ngoài giấy phép, hoặc “treo đầu dê, bán thịt chó”, quảng cáo một đằng, thực hiện một nẻo.

Đầu năm 2017, dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi một sự kiện lớn được truyền thông rầm rộ như “Lễ hội hoa hồng Bulgaria” đã bị lập biên bản vì tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật không nằm trong kế hoạch đã xin phép cơ quan chức năng. Lễ hội này cũng gây thất vọng cho du khách khi chất lượng không tương xứng với nội dung, hình ảnh quảng cáo. Ở nhiều sự kiện khác, ban tổ chức còn nghĩ ra các chiêu trò qua mắt cơ quan chức năng nhằm “lách luật”. Điển hình là năm 2016, một đơn vị gửi hồ sơ tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai xin phép tổ chức cuộc thi người đẹp ảnh song không được chấp nhận. Sau đó, đơn vị này tiếp tục gửi đơn đề nghị cấp phép cho chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang khác và được đồng ý. Tuy nhiên, đến ngày diễn ra sự kiện, chương trình trình diễn thời trang chỉ là vỏ bọc cho cuộc thi chung kết người đẹp ảnh. Các khẩu hiệu, băng-rôn được treo tại sự kiện đều liên quan đến cuộc thi. Và đơn vị này bị xử phạt 44 triệu đồng vì: vi phạm biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không đúng nội dung ghi trong giấy phép; quảng cáo không đúng nội dung; không thông báo nội dung quảng cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều người tham gia trong ngành giải trí cho biết, hiện nay, mỗi năm có tới hàng chục cuộc thi nhan sắc nhưng chất lượng không cao. Đơn vị tổ chức thường là những công ty truyền thông đứng ra xin tài trợ từ doanh nghiệp, hoặc thu phí tham gia của thí sinh vì mục đích lợi nhuận. Có cuộc thi chỉ được tổ chức “ngầm” nhưng sau đó thí sinh vẫn được giới thiệu rầm rộ là hoa khôi, á khôi, nữ hoàng,… và dẫn đến tình trạng hỗn loạn danh hiệu. Chưa kể tại không ít chương trình giải trí được phủ sóng rộng rãi, một số nghệ sĩ biểu diễn có hành vi thiếu văn hóa mà phổ biến nhất là tình trạng ăn mặc hở hang, phản cảm gây bất bình trong dư luận. Bên cạnh đó là phát ngôn gây sốc, hành vi phản cảm mà báo giới đã tốn không ít giấy mực bàn đến. Thậm chí, có chương trình, ca sĩ còn tự ý chế lời như hai ca sĩ Yanbi, Mr. T từng bị xử phạt hành chính vì chế lời bài “Thu cuối” bằng ngôn từ thô tục, thiếu lành mạnh khi biểu diễn ở một đêm nhạc tại Hải Phòng…

Thực tế cho thấy rất nhiều sai phạm xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật - giải trí xã hội hóa mọc lên như nấm sau mưa thời gian qua. Trong khi đó, dường như công tác thanh tra, giám sát lại chưa theo kịp, cho nên việc phát hiện vi phạm chủ yếu thuộc về báo giới, công chúng; việc xử lý vi phạm hầu như được thực hiện khi việc đã rồi. Gần đây nhất, sau sự cố đáng tiếc xảy ra tại đại nhạc hội điện tử ở Công viên nước Hồ Tây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tạm dừng cấp phép đối với các chương trình nhạc điện tử. Đành rằng, đây là cách xử lý an toàn trong thời điểm hiện tại, song chỉ mang tính tình thế, bởi về lâu dài, không thể quản lý văn hóa theo kiểu không quản được thì cấm. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa không có nghĩa là khoán trắng cho xã hội. Việc huy động thêm nhiều thành phần tham gia đầu tư, tổ chức, đòi hỏi vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước càng cần được đẩy mạnh. Diễn biến phức tạp nảy sinh từ các chương trình nghệ thuật - giải trí xã hội hóa thời gian qua đặt ra yêu cầu bức thiết về tăng cường và nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mà trước hết là thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý.

Hiện, Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu, lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP đang là hành lang pháp lý chủ yếu để quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nhưng sau một thời gian triển khai đã xuất hiện một số bất cập, lạc hậu so với xu thế phát triển của đời sống văn hóa, giải trí, đặc biệt ở khâu cấp phép, kiểm tra, thu hồi giấy phép lĩnh vực âm nhạc, thi người đẹp. Bên cạnh đó, cơ chế xử phạt các hình thức vi phạm còn chưa đủ mạnh, chưa thật sự có tác dụng răn đe dẫn đến tình trạng không sợ luật, “nhờn” luật. Một số tổ chức, cá nhân biết vi phạm nhưng vẫn cố tình làm sai, chấp nhận nếu bị “tuýt còi” thì nộp phạt, vì khoản phạt chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận thu về. Đây là những “kẽ hở” đòi hỏi phải sớm được xử lý, điều chỉnh để bảo đảm tính răn đe của pháp luật. Trong bối cảnh chương trình nghệ thuật - giải trí xã hội hóa được tổ chức ngày càng nhiều, đối tượng quản lý ngày càng đa dạng, phức tạp, cần bổ sung, tăng cường đội ngũ thanh tra văn hóa có chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, vốn đang còn mỏng ở các địa phương. Bởi, muốn không để xảy ra vi phạm, chỉ có tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, triệt để cả trước, trong và sau sự kiện mới có thể nhanh chóng phát hiện, xử lý kịp thời.

Theo các chuyên gia văn hóa, hiện nay trong công tác cấp giấy phép, chúng ta chủ yếu mới chỉ quan tâm tới nội dung chuyển tải trong chương trình, nghĩa là mới dừng ở bề nổi mà chưa chú ý đến những yếu tố khác góp phần tạo nên chương trình như khâu bảo đảm an ninh, an toàn, giải pháp ứng phó khi có sự cố… Vì thế, bên cạnh thẩm định nội dung nghệ thuật, quyết định cấp phép còn cần đề cập việc đơn vị tổ chức đưa ra được quy trình biện pháp bảo đảm an ninh dựa trên nội dung đo lường lượng khán giả, cũng như khả năng đáp ứng của điểm đến đối với các tiêu chí đặt ra của sự kiện, nhất là với sự kiện lớn, dự kiến thu hút đông người. Việc để xuất hiện những khoảng trống tương đối lớn trong sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức sự kiện như: cơ quan quản lý văn hóa, ban tổ chức, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, ban quản lý điểm đến,… đã dẫn đến tình trạng khi có sự cố phát sinh đều rất khó quy trách nhiệm, để rồi sau đó đâu lại vào đấy. Đã đến lúc, cần có bộ quy chuẩn về cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan nhằm hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra sự cố tại các chương trình nghệ thuật - giải trí xã hội hóa, nhất là chương trình tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Chỉ có như thế mới bảo đảm cho công chúng được thụ hưởng văn hóa từ các chương trình nghệ thuật - giải trí xã hội hóa vừa có tính nghệ thuật cao, vừa có nội dung lành mạnh, tích cực, hữu ích.
P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top