Sự kiện vấn đề

Để đổi mới thi cử không “luẩn quẩn”

10:34 - Thứ Năm, 06/12/2018 Lượt xem: 12536 In bài viết

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố phương án thi năm 2019 với khá nhiều điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm bảo đảm kỳ thi sẽ diễn ra khách quan, trung thực, hạn chế tối đa sự cố gian lận điểm thi gây rúng động như năm 2018.

Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao việc Bộ GD-ĐT cơ bản giữ ổn định như năm 2018 về mặt phương thức tổ chức thi nhưng đã có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật nhằm bịt lỗ hổng, ngăn tiêu cực, gian lận. Đặc biệt, để thật sự tăng ý nghĩa của kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, năm 2019, Bộ GD-ĐT quyết định tăng tỷ lệ của điểm thi các bài thi trong việc xét tốt nghiệp THPT. Dự kiến là tỷ lệ điểm thi của kỳ thi sẽ là 70% và 30% là điểm học tập lớp 12 của các em.

Điều chỉnh này được các chuyên gia cũng như lãnh đạo các trường đại học đánh giá cao, bởi sẽ hạn chế tối đa tình trạng sử dụng “phao cứu sinh” điểm học bạ như năm trước, giảm thiểu nguy cơ một số trường lợi dụng điểm trung bình lớp 12 để tăng tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh thông qua việc “làm đẹp” học bạ. Điểm mới này cũng đồng nghĩa với việc không khuyến khích các trường ưu tiên xét tuyển bằng học bạ khi khẳng định kết quả kỳ thi THPT quốc gia vẫn đáng tin cậy hơn. 

Thay đổi này của Bộ GD-ĐT không chỉ đảm bảo tính công bằng cho các em học sinh, mà còn giúp các trường đại học đảm bảo tốt đầu vào khi xét tuyển học bạ, đề cao vai trò quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia. Thay đổi này vừa hạn chế những tiêu cực, vừa giúp việc học đi vào thực chất hơn.

Định hướng của Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức thi và chấm thi cũng như công tác xét tốt nghiệp năm 2019 được cải tiến theo chiều hướng tăng cường công tác giám sát, tăng tính minh bạch và giảm thiểu nguy cơ tiêu cực. Đây là điều cần thiết, tránh sự can thiệp của con người lên bài thi của thí sinh. Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp này đến đâu thì cũng phải chờ cho kỳ thi diễn ra mới rõ. Vì vậy, để giải pháp thi đưa ra được triển khai hiệu quả nhất, công tác chuẩn bị, tập huấn phải hết sức kỹ càng. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần công bố bảng phân tích kết quả thi trước khi công bố kết quả thi nhằm giúp các trường đại học, cao đẳng xác định nguồn tuyển chính xác hơn, tránh ảo.

Mặt khác, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng sẽ phụ thuộc vào độ khó đề thi. Do đó, mức độ phân hóa của đề thi rất quan trọng nên Bộ GD-ĐT cần chủ động nghiên cứu, xây dựng ngân hàng đề thi hợp lý, tránh sự biến động quá lớn như 2 năm vừa qua.

Việc Bộ GD-ĐT giao cho trường đại học chấm thi trắc nghiệm chứng tỏ mục tiêu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia vẫn rất quan trọng và cần độ tin cậy cao để các trường xét tuyển. Vấn đề mà bộ cần tính toán là việc chấm này sẽ thực hiện tại địa phương hay đưa về trường, và dù chấm ở đâu thì đều phải tuân thủ nguyên tắc: ai chấm thì sẽ lưu trữ dữ liệu và chịu các trách nhiệm liên quan khác.

Bên cạnh đó, vẫn còn những lo lắng về ngân hàng đề thi chưa thực sự được chuẩn hóa; quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chưa đủ minh bạch đối với xã hội; chất lượng đề thi trắc nghiệm khách quan ở một số môn thi chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra… Đặc biệt, đối với các môn tổ hợp cũng là điều còn nhiều băn khoăn mà phương án thi 2019 chưa đề cập. Thực tế hiện nay, các môn tổ hợp chỉ là thi 3 môn trong 1 buổi. Nội dung bài thi không thể hiện tổ hợp kiến thức mà chỉ là sự lắp ghép cơ học của 3 môn học khác nhau. Điều này tạo áp lực với các thí sinh.

Dù phương án thi 2019 bước đầu được dư luận đồng tình, nhưng vẫn còn quá nhiều vấn đề cần Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu. Việc thực hiện kỳ thi chung với 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng là một việc khó đối với khâu biên soạn đề thi. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi đòi hỏi thời gian chuẩn bị công phu với các quy trình và nội dung chặt chẽ, căn cơ, không để xảy ra tình trạng “năm quá dễ, năm quá khó”, không thể hiện tính “chuẩn hóa” trong đánh giá chất lượng giáo dục THPT mà mục tiêu kỳ thi đặt ra.

Thực tế, vài năm qua, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp quá cao (trên 97%) tạo suy nghĩ băn khoăn về vị trí và giá trị của kỳ thi và đặt ra câu hỏi: Có cần tổ chức kỳ thi THPT? Nếu bỏ kỳ thi THPT sẽ có ảnh hưởng tiêu cực thế nào tới hoạt động dạy và học? Nếu điểm thi THPT bị đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh, thì có đáp ứng được mục tiêu sử dụng xét tuyển đại học, cao đẳng? Trong khi đó, các trường đa số hiện đang xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT… Tất cả những vấn đề này phải được Bộ GD-ĐT xem xét, thấu đáo, để thi cử không trong tình trạng luôn được đổi mới từng năm nhưng thực chất là “luẩn quẩn” trở về cách thức ban đầu.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top