Sa sút chất lượng thể thao

15:33 - Thứ Ba, 06/08/2019 Lượt xem: 9767 In bài viết
Nếu tính từ năm 2003, thời điểm thể thao Việt Nam chính thức có mặt trong tốp 3 toàn đoàn tại đấu trường SEA Games, thì đến nay đã 16 năm liên tục giữ vị thế của một trong những quốc gia hàng đầu Đông Nam Á.

Điều này phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo quy luật chung: quốc gia càng hùng mạnh thì người dân càng cường tráng. Nhưng đó dường như chỉ là phần nổi, có ý nghĩa về số lượng, mà không phản ánh được sự sa sút về chất lượng của nền thể thao. Chúng ta không thể xác định được đâu là môn thể thao thế mạnh đúng nghĩa, tức là sâu rộng về phong trào và thành công trên đỉnh cao.

Ở môn bơi lội, dù là quốc gia có biển cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhưng các “kình ngư” Việt Nam chỉ dừng ở đẳng cấp Đông Nam Á, kể cả các nội dung đường dài tưởng là thế mạnh. Ở môn bóng đá, dù được phổ cập cho học sinh từ bậc tiểu học nhưng đến nay vẫn chưa hình thành một hệ thống chuyên nghiệp thực sự và sự phát triển, còn tiếng tăm thì chỉ trông chờ (không muốn nói là lệ thuộc hoàn toàn) vào thành tích của đội tuyển quốc gia. 

Ngay cả một môn có tính đặc thù cao như bắn súng, được xem là “sở trường”, là môn thể thao đầu tiên mà Việt Nam cử đại diện thi đấu quốc tế từ Olympic Moscow 1980, nhưng gần 40 năm sau, cũng chỉ đơn lẻ một vài cá nhân tiệm cận đến đẳng cấp thế giới và cũng duy nhất có Hoàng Xuân Vinh đoạt được huy chương Olympic. Hay đối với môn bóng chuyền, trước đây đội tuyển nữ từng được xếp ngang bằng về tiềm năng phát triển cùng với Thái Lan trước khi SEA Games được tổ chức lần đầu tại Việt Nam năm 2003. Thế nhưng, sau hơn 1 thập niên, bóng chuyền nữ Thái Lan đã chạm đến ngưỡng thế giới, vài lần vô địch châu Á, còn Việt Nam chưa hết loay hoay thoát khỏi sự đeo bám của Indonesia, Philippines trong khu vực Đông Nam Á.

Như vậy, kể cả có phong trào tốt hoặc không quá khó khăn trong đầu tư thì thể thao Việt Nam vẫn đang trong tình trạng môn này vươn tầm thì môn kia sa sút. Khi tham dự các giải đấu như SEA Games thì cử lực lượng hùng hậu, nhưng số môn thể thao thực sự đi vào đời sống xã hội thì lại đếm trên đầu ngón tay. Từ năm 2003 đến nay cũng chưa có một cơ sở thi đấu thể thao nào được xây mới ở tầm vóc châu Á và thế giới ngoài môn golf và đua xe F1 do tư nhân thực hiện. Điều này mâu thuẫn với sự phát triển của đô thị, dịch vụ dân sinh cao cấp đang nở rộ tại khắp các địa phương có quy mô dân số cao.

Rõ ràng, thể thao Việt Nam đang có vấn đề. Tiêu biểu cho sự trì trệ của ngành thể dục thể thao chính là việc khai thác khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình và quá trình đầu tư cho “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên. Hai trường hợp này đều sử dụng nguồn ngân sách lớn nhất có thể nhưng tính hiệu quả chỉ dừng ở mức tối thiểu. Rắc rối tài chính tại khu Mỹ Đình xuất phát từ hoạt động cho thuê đất không đóng thuế chứ không phải từ chuyện khai thác kinh doanh cơ sở vật chất thể thao hiện có. Với trường hợp Ánh Viên, chúng ta đưa vận động viên sang Mỹ dường như chỉ để phục vụ “gom” huy chương vàng ở SEA Games. Không khó để nhận ra rằng, tư duy của rất nhiều người quản lý thể thao từ trung ương đến địa phương là chăm chăm vào khai thác cạn kiệt những gì mình có chứ không phải dùng nó để phát triển lâu dài. Đó là tư duy lỗi thời, nặng tính nghiệp dư và thiếu tầm nhìn.

Thiệt hại trước mắt là sự khủng hoảng niềm tin của dư luận và cả những người đang ra sức đào tạo con người cũng như xây dựng phong trào, tìm kiếm tài năng cho thể thao nước nhà. Không thể thuyết phục các bậc phụ huynh đưa con mình đến các trường năng khiếu, không thể vận động được những nguồn tài chính lớn và lâu dài đầu tư vào cơ sở vật chất, các đội thể thao… nếu những nhà quản lý không thể hiện được tham vọng và mục tiêu lâu dài. Rõ ràng, ngành thể thao Việt Nam đang thiếu một “kiến trúc sư trưởng” cùng với sự cải tổ triệt để để phát triển một cách sâu rộng, chuyên nghiệp.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top