Mỹ rút quân khỏi Syria: Trong hư có thực…

15:44 - Thứ Ba, 12/11/2019 Lượt xem: 6215 In bài viết

Chiến lược của Mỹ ở Syria trong hơn một năm qua gợi cho người ta liên tưởng đến chiến lược của một tay chơi poker còn non tay đã từ chối đặt cược, không chịu hạ bài và khăng khăng chơi tiếp bất chấp những rủi ro sắp tới của cái mà rất có thể sẽ là ván bài cuối cùng.

Một đoàn xe đưa lính Mỹ rút khỏi Đông Bắc Syria.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-10 về ý định rút quân Mỹ khỏi Syria không khác gì việc để lộ các quân bài của mình cho đối thủ. Tuy vậy, với các lực lượng còn ở lại để bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu mỏ hoặc tiến hành các chiến dịch chống khủng bố, Washington vẫn lớn tiếng khẳng định rằng họ có thể điều khiển nhịp độ của cuộc chơi.

Việc ông chủ Nhà Trắng thừa nhận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan ngày 7-10 rằng Mỹ sẽ không cản trở các chiến dịch quân sự nhằm thiết lập cái gọi là “vùng an toàn” ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, gây bất lợi cho các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn dắt, đã đẩy nhanh việc rút phần lớn các lực lượng Mỹ về phía Tây Iraq.

Nhưng rồi chỉ đến ngày 23-10, ông Trump một lần nữa lặp lại mô hình trì hoãn và sau đó đưa ra các tuyên bố mà không có kế hoạch quân sự nào hậu thuẫn. Khi đề xuất để lại một số lượng nhỏ binh lính Mỹ ở khu vực có dầu mỏ gần Deir az-Zour thuộc miền Đông Syria, sau đó gợi ý rằng người Kurd nên di dời đến khu vực mà cư dân phần lớn là người Arab này.

Các nhà hoạch định chính sách khác đã nhắc lại phương án này và đề xuất rằng các lực lượng Mỹ cũng sẽ ở lại đồn trú tại Al-Tanf phía Đông Nam Syria - quan trọng là để tiếp tục nhiệm vụ chống khủng bố của họ. Vấn đề càng phức tạp hơn nữa khi một số báo cáo chỉ ra rằng Mỹ có thể triển khai xe tăng - một cam kết mạnh mẽ hơn nhiều về việc cung cấp nhân sự và trang thiết bị - nhằm bảo vệ các mỏ dầu.

Các kế hoạch trên làm dấy lên các câu hỏi đan xen về chính sách, pháp lý và quân sự cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn nữa. Mỹ có các lợi ích chính đáng ở Syria, chính xác là trong việc chống lại mối đe dọa từ khả năng trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vốn đã được bổ sung lực lượng là các tù nhân vượt ngục sau khi Mỹ rút quân.

Tuy nhiên, với sự ra đi của các lực lượng Mỹ và những viễn cảnh không chắc chắn của đối tác chính của Mỹ trong các hoạt động chống khủng bố, không bên nào sẵn sàng lấp chỗ trống đó - kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, chế độ của Tổng tống Assad và Nga, vốn thường tránh giao chiến với lực lượng IS.

Việc chấm dứt cuộc nội chiến, buộc chế độ của ông Assad phải chịu trách nhiệm về các tội ác của mình, xoa dịu nỗi đau của những người tị nạn và chống lại Iran là các mục tiêu bổ sung quan trọng - mặc dù đó là những mục tiêu mà ông Trump dường như không mấy quan tâm theo đuổi.

Mục tiêu tương đối hạn hẹp là đánh bại IS có thể phù hợp với cơ sở pháp lý cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria nhưng ý nghĩ cho rằng các lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ các mỏ dầu thì không. Việc Mỹ sẽ điều chỉnh nhiệm vụ của họ trong tình hình hiện nay nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng dầu mỏ làm suy yếu thẩm quyền đạo đức và lý lẽ biện minh cho việc duy trì quân đội ở Syria.

Cũng khó có thể hình dung rằng mục tiêu chống khủng bố của việc bảo vệ cơ sở hạ tầng này là chính đáng, đặc biệt khi xét tới điệp khúc “chiếm lấy dầu mỏ” thể hiện sự tham lam của Washington.

Việc triển khai các đơn vị thiết giáp nhằm bảo vệ các giàn khoan dầu thậm chí còn kém tin cậy hơn khi xét tới mức chi phí lớn hơn khi duy trì lực lượng này. Cuối cùng, quan điểm cho rằng Mỹ sẽ cho binh lính ở lại để đảm bảo rằng họ có thể ngăn chặn IS và các lực lượng khác tiếp cận các mỏ dầu then chốt này như Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã nói hôm 22-10 cũng đồng nghĩa với việc lợi dụng lý do chống khủng bố để duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria cho đến khi điều này là không thể.

Chừng nào không có một mối đe dọa rõ ràng sắp xảy ra từ các nhóm khủng bố đối với các mỏ dầu, thì logic này vẫn có thể giúp Mỹ chiếm giữ bất kỳ vùng lãnh thổ nào được cho là có thể bị IS đe dọa trong tương lai.

Mỹ có nhiều cơ hội để định hình chiều hướng của cuộc nội chiến Syria nhưng những lợi thế mà họ nắm giữ, ít nhất là tầm ảnh hưởng của họ trên thực địa, đang cạn dần. Việc Mỹ dựa dẫm vào các đòn phản công ngày càng giảm dần của một lực lượng mong manh ở vùng Đông Bắc Syria là trường hợp kinh điển cho câu “đại tài tiểu dụng”.

Giờ đây, khi bối cảnh đã thay đổi và ảnh hưởng của Mỹ ở Syria đã giảm đáng kể, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần phải tập trung vào những gì họ thực sự có thể làm để giải quyết hậu quả của một cuộc chiến đã bước sang năm thứ 9.

Điều này sẽ đòi hỏi phải sử dụng toàn bộ các sức mạnh không phải là nhỏ của Mỹ. Washington có thể vẫn có những động thái hướng tới thắng lợi lâu dài trước IS bằng cách tiếp tục truy lùng những kẻ khủng bố trên toàn cầu cùng các đồng minh của Mỹ, xoa dịu nỗi đau của những người tị nạn bên ngoài biên giới Syria, duy trì hợp tác an ninh với các lực lượng an ninh Iraq và kiên quyết thực hiện các cải cách có lợi cho người dân Iraq.

Mỹ có thể tiếp tục gây sức ép chính trị đối với Nga để ngăn nước này hỗ trợ chế độ Assad và yêu cầu Nga và Iran phải trả giá cho các hoạt động gây bất ổn của họ. Mỹ cần tìm cách trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ một cách thích đáng, đồng thời để ngỏ cơ hội cải thiện quan hệ khi nước này nhận thức được những thách thức của việc tự ý hành động tại Syria. Và Mỹ có thể chuyển hướng các nguồn lực quân sự của mình tới những nơi rõ ràng phục vụ cho lợi ích của Mỹ.

Liệu Mỹ có thể theo đuổi những mục tiêu này hay không, xét tới quy trình chính sách lộn xộn của Washington và thái độ hoài nghi của các đồng minh và đối tác về uy tín của nước này, vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ nhưng họ vẫn phải thử.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top