NATO đối mặt với nhiều thách thức lớn

14:33 - Thứ Sáu, 29/11/2019 Lượt xem: 5611 In bài viết

Chỉ còn một tuần nữa, Hội nghị thượng đỉnh các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra tại London, Anh, trong bối cảnh khối này đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ chính nội bộ của mình trước thềm kỷ niệm 70 năm.

Thổ Nhĩ Kỳ gần đây có nhiều động thái khiến đồng minh NATO không vừa lòng, làm sâu sắc sự khác biệt trong nội bộ khối. Ảnh minh họa.

Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26-11 ra tối hậu thư với NATO cùng với cảnh báo sẽ phủ quyết mọi kế hoạch của liên minh quân sự này nếu không nhận được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ trong lập trường đối với lực lượng người Kurd tại Syria. 

Các nguồn tin cấp cao trong NATO cho biết, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ thị cho đại sứ nước này không ký các kế hoạch của NATO, đồng thời nâng cao quan điểm trong tất cả các cuộc gặp chính thức và bên lề nhằm buộc liên minh quân sự phải công nhận lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ coi nhóm nổi dậy Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd là khủng bố.

Đưa ra chỉ vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập khối dự kiến diễn ra ngày 4-12 tại London, lập trường cứng rắn này một lần nữa cho thấy mối bất hòa ngày một sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh chủ chốt trong NATO, đặc biệt là Mỹ liên quan tới chiến dịch quân sự mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria. Đây cũng là một yếu tố nữa gia tăng những khó khăn vốn đang chồng chất mà NATO phải vượt qua để tìm kiếm sự đồng thuận trong các chủ đề nóng. 

Không có sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO sẽ gặp khó khăn hơn trong việc triển khai các kế hoạch phòng thủ quân sự cho Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia, nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa từ Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Một số chuyên gia cho rằng, không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia thành viên chủ chốt khác của NATO đang biến các nước Đông Âu thành con bài phục vụ cho các tham vọng địa chính trị của mình.

Dù là một thành viên của NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua lại liên tiếp có những động thái khiến NATO không vừa lòng, từ việc đưa quân sang Syria tấn công lực lượng người Kurd, đồng minh của khối trong cuộc chiến chống IS, hay bắt tay với Nga, đối thủ của khối, để gia tăng quyền kiểm soát đối với các vùng chiếm đóng và trước đó là quyết tâm mua hệ thống S-400 của Nga bất chấp cảnh báo “không tương thích” của các đồng minh. 

Thế nhưng, các lãnh đạo NATO vẫn ngậm ngùi làm ngơ để không bị mất đi một đồng minh chiến lược của khối. NATO đang rất cần Thổ Nhĩ Kỳ. Được coi là lực lượng quân sự lớn thứ hai trong NATO, không những thế, Thổ Nhĩ Kỳ lại nắm giữ lá bài địa chính trị quan trọng khi nhìn ra cả Biển Đen lẫn Địa Trung Hải, là giao lộ của các luồng di cư và là cầu nối giữa châu Âu và toàn bộ vùng Cận Đông. Chính vì vậy, bất kỳ sự thiếu hợp tác nào của Ankara, cũng khiến NATO gặp khó tại khu vực Địa chiến lược này.

Tại trụ sở NATO, các nhà ngoại giao vẫn hi vọng, một thỏa hiệp có thể đạt được. Bởi cùng với tối hậu thư này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chờ đợi các nhà lãnh đạo NATO thông qua kế hoạch sửa đổi về hành động quân sự tập thể trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tổng thống Pháp Macron, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Thủ tướng Đức Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh tại London vào đầu tháng tới để thảo luận về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Không dừng lại ở đó, một sức ép lớn nữa của NATO cũng đến từ đầu tàu là Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26-11 cho biết, phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập NATO sắp tới sẽ nhấn mạnh tới những tiến triển về chia sẻ gánh nặng, an ninh, hợp tác quốc phòng và sự phát triển tương lai của NATO. 

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có mặt trong phái đoàn do Tổng thống Donald Trump dẫn đầu tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo NATO. Chính quyền của ông Trump thời gian qua liên tục phàn nàn về việc các đồng minh NATO sử dụng miễn phí quân đội Mỹ. 

Bên cạnh đó còn có nhiều sự bất đồng trong liên minh này về vấn đề hạt nhân Iran, các chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria và dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Đức và Nga.

Nhằm giải quyết các mối bận tâm về tương lai của NATO, Hội nghị thượng đỉnh sắp tới nhiều khả năng sẽ thông qua đề xuất của Pháp và Đức đó là lập ra một nhóm các nhân vật có uy tín dưới quyền của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, nhằm giúp NATO cải tổ. 

“Những người thông thái” này sẽ đưa ra báo cáo vào cuối năm 2021 khi NATO dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, đặt nền tảng cho việc cải cách khối. Mục đích là để đảm bảo một “liên minh xuyên Đại Tây Dương cân bằng trở lại”. Nhóm này có thể sẽ không quá lớn và sẽ là sự kết hợp của các chính khách lớn tuổi và một số nhân vật khác, những người có thể đưa ra các ý tưởng cấp tiến. 

Như một động thái làm vừa lòng ông Trump, một thỏa thuận đang được mong chờ để các đồng minh của Mỹ chia sẻ nhiều hơn chi phí hoạt động của NATO và giảm đóng góp thường niên của Mỹ trong tài trợ cho các trụ sở và nhân viên của NATO từ năm 2021. Các lãnh đạo của khối cũng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Mỹ rằng các đồng minh châu Âu nên có nhiều hơn nữa các tiểu đoàn, tàu chiến và máy bay của NATO sẵn sàng cho chiến trận như một biện pháp răn đe đối với các cuộc tấn công có thể xảy ra từ Nga.

Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại London, Anh, sẽ đánh dấu một thời khắc quan trọng của khối liên minh quân sự hùng mạnh này, không chỉ là sinh nhật tuổi 70, mà còn là lúc những tranh cãi và bất hòa thời gian qua nên được giải quyết một cách ổn thỏa vì chính tương lai của khối. Tuy thế, nhiều chuyên gia nhận định Hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ chứng kiến các lãnh đạo “cố gắng thể hiện sự đoàn kết” và những vấn đề mà NATO đang đối mặt chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top