Để không thành chợ sách!

14:41 - Thứ Sáu, 29/11/2019 Lượt xem: 4992 In bài viết

Đến nay, Bộ GD-ĐT đã công bố 32 cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới, thực hiện từ năm học tới. 32 cuốn SGK hợp thành 5 bộ SGK, trong đó 4 bộ thuộc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam. Do đó, hiện nay vấn đề chọn SGK nào đưa vào dạy học để bảo đảm không độc quyền SGK, không có sự tiêu cực trong chọn sách, không lộn xộn, không biến việc cung ứng SGK thành “chợ sách”, tác động xấu đến môi trường giáo dục, đến học sinh đang là vấn đề dư luận hết sức quan tâm. Có nhiều ý kiến cho rằng, bao năm nay, cả hệ thống đều mặc nhiên học SGK của NXB Giáo dục Việt Nam, nên SGK của các NXB khác rất dễ rơi vào thế yếu. Đó cũng là lý do dẫn đến lo ngại, để SGK vào được trường học, các NXB sẽ có một cuộc “chạy đua”, và nếu như tiêu chí chọn sách, quy trình chọn sách không minh bạch, rất có thể, SGK sẽ biến thành “chợ sách”, mà NXB nào mạnh, người đó sẽ thắng trong cuộc đua này.

Luật Giáo dục 2019 quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đang dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn SGK (do UBND tỉnh thành lập). Hội đồng này có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là giáo viên đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người. SGK được lựa chọn phải đạt tối thiểu 3/4 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu. 

Tuy nhiên, ngày 26-11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã họp phiên toàn thể để xem xét báo cáo của Chính phủ đối với việc chọn SGK lớp 1 mới. Chính phủ cho rằng, quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông là theo Luật Giáo dục (sửa đổi), có hiệu lực thi hành sau ngày 1-7-2020. Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn SGK lớp 1 mới phải xong trước tháng 3-2020 để các NXB in ấn, phát hành, tập huấn cho giáo viên, kịp thời phục vụ khai giảng năm học vào tháng 9-2020. Vì vậy, Chính phủ đề xuất cho phép thực hiện việc chọn SGK theo Luật Giáo dục (sửa đổi) từ ngày 1-1-2020. Nhưng ủy ban cho rằng, để có thể thực hiện như đề xuất của Chính phủ thì nội dung này phải được quy định rõ trong điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp của Luật Giáo dục (sửa đổi), hoặc quy định bằng một nghị quyết của Quốc hội ban hành kèm theo luật để hướng dẫn. Tại thời điểm này, các điều kiện trên không thực hiện được. Do đó, ủy ban đề nghị trước mắt, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK lớp 1 mới theo quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đó là “cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh” và có hiệu lực thi hành trước ngày 1-7-2020. Điều này khiến nảy sinh nhiều ý kiến lo ngại, năm nay SGK do trường chọn, vậy năm sau nữa tỉnh có thể chọn bộ khác, tính ổn định liệu có bảo đảm? 

Vấn đề đặt ra là, nếu lo ngại lựa chọn SGK tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực, có thể bị lợi ích nhóm chi phối để đưa SGK vào trường, thì dù ở cấp tỉnh hay cấp trường đều có thể xảy ra. Do đó, cần phải có quy chế với các tiêu chí cụ thể và quản lý giám sát một cách minh bạch để tránh được những vấn đề này. Mong muốn của xã hội là việc chọn SGK ngay từ đầu phải được tiến hành bài bản, cẩn trọng, minh bạch, không bị lợi ích nhóm chi phối, không để độc quyền SGK; SGK được sử dụng ổn định, lâu dài. Do đó, dù giao cho ai quyền chọn SGK cũng cần phải bảo đảm thành phần chọn sách có đại diện cha mẹ học sinh, có giáo viên, đại diện tổ chuyên môn và đó phải là những người có tiếng nói quyết định nhất trong chọn sách. Bởi đơn giản, họ là những đối tượng ít bị chi phối bởi “tỷ lệ hoa hồng” nhất..

Luật Giáo dục chỉ giao UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK chứ không yêu cầu UBND tỉnh phải trực tiếp lựa chọn SGK, nên UBND các tỉnh có thể để cơ sở giáo dục lựa chọn, thay vì trực tiếp lựa chọn SGK. Cạnh tranh SGK mục tiêu là chọn ra những bộ SGK chất lượng nhất cả về nội dung lẫn hình thức trình bày, nên điều cốt yếu nhất là phải minh bạch, không nhập nhèm tư lợi. 

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top