Australia oằn mình đối đầu với “giặc lửa”

15:24 - Thứ Sáu, 27/12/2019 Lượt xem: 11704 In bài viết

Người dân Australia đang trải qua một kỳ nghỉ Giáng sinh không hề yên bình, với nền nhiệt lên tới 40 độ C cùng những vụ cháy rừng “vượt quá tầm kiểm soát”, theo Reuters. Vấn đề môi trường, những tưởng sẽ không thể làm nóng nghị trường xứ sở chuột túi, giờ đây lại đang đe dọa uy tín của Thủ tướng Scott Morrison.

Lực lượng cứu hỏa Australia gồng mình chiến đấu chống lại “giặc lửa”.

The Guardian ngày 26-12 đưa tin, mặc dù kỳ nghỉ Giáng sinh đang diễn ra tại Australia, nhưng lực lượng cứu hỏa nước này vẫn đang phải gồng mình đối phó với tình trạng cháy rừng lan rộng, với khoảng 70 đám cháy tiếp tục bùng phát khắp bang New South Wales, trong đó có tới gần 30 đám cháy vẫn “không thể kiểm soát”. 

Hơn 2.000 lính cứu hỏa buộc phải làm việc vào ngày Giáng sinh để xử lý các đám cháy và chuẩn bị đối phó với đợt nắng nóng mới. Người đứng đầu lực lượng chữa cháy khu vực nông thôn bang New South Wales, ông Shane Fitzsimmons cho biết tất cả “hoàn toàn mệt mỏi”, song vẫn cố gắng hết sức mình để chiến đấu với “giặc lửa” trong suốt kỳ nghỉ lễ.

Cháy rừng cũng khiến đời sống người dân xáo trộn. Tại bang Queensland, hơn 21.500 hộ gia đình đã đón Giáng sinh trong tình cảnh mất điện, 11 người phải điều trị vì những chấn thương do cháy rừng gây ra. Thành phố Gold Coast, núi Gravatt và Morningside - vùng ngoại ô của thành phố Brisbane của bang này cũng chịu cảnh cắt điện luân phiên.

Trong bối cảnh đó, những cơn mưa nhỏ, rải rác đã ghé đến khu vực miền Đông nước này vào đêm 25-12. Chuyên gia khí tượng học Rob Taggart cho biết, lượng mưa dù khiêm tốn nhưng vẫn xứng đáng là món quà tuyệt vời đêm Giáng sinh cho người dân Australia. Do nhiệt độ giảm và có mưa nên hiện bang New South Wales đã thu hồi tất cả lệnh cấm đốt lửa ngoài trời. Mặc dù vậy, ông Rob Taggart cũng cảnh báo rằng, lượng mưa tại các khu vực rừng cây bị hỏa hoạn, cũng như ở vùng duyên hải phía Nam là rất nhỏ, rất khó để làm dịu bầu không khí oi bức, cháy rừng và tình trạng ô nhiễm không khí đang bao trùm nhiều thành phố nước này. Cùng ngày, Reuters đưa tin một đợt sóng nhiệt khác dự kiến tràn về nhiều vùng của đất nước chuột túi trong vài ngày tới.

Sóng nhiệt đi kèm nắng nóng cục bộ được dự báo di chuyển đến Nam Australia vào cuối tuần, và tràn sang New South Wales và Victoria vào đầu tuần tới. “Với sức nóng và gió ngày càng tăng, nguy cơ hỏa hoạn sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tuần tới. Ngày 30, 31-12 rất có thể là những ngày hỏa hoạn bùng phát mạnh nhất”, chuyên gia Rose Barr từ Cục Khí tượng Australia cho biết.

Australia đang trải qua những ngày vô cùng tồi tệ, với cuộc khủng hoảng cháy rừng lan rộng được cho là lớn nhất trong lịch sử xứ sở chuột túi. Tình trạng biến đổi thời tiết với nền nhiệt độ tăng cao và khô hạn kéo dài thời gian qua khiến cho cháy rừng xuất hiện sớm và nhanh chóng lan rộng tại bang New South Wales và Queensland. Kể từ khi cháy rừng xuất hiện vào tháng 7 năm nay, hơn 900 ngôi nhà đã bị thiêu rụi, hơn 3.7 héc ta đất rừng trên khắp 5 tiểu bang của Australia bị tàn phá. 6 nạn nhân cũng đã thiệt mạng tại bang New South Wales cùng 2 nạn nhân thiệt mạng tại Nam Australia vì cháy rừng. Cháy rừng được cho là sẽ khiến ngành nông nghiệp của bang Nam Australia thiệt hại hàng triệu đô la với khoảng 1.100 héc ta vườn nho, lê và cherry bị thiêu rụi. Theo ước tính của các nhà kinh tế, cháy rừng làm nền kinh tế Australia thiệt hại từ 12 đến 50 triệu AUD mỗi ngày. Ô nhiễm không khí do cháy rừng cũng đã bao trùm nhiều địa phương, đe dọa sức khỏe của cư dân khu vực chịu ảnh hưởng.

Mặc dù đã nỗ lực đưa ra những phương án để ngăn chặn cháy lan và giảm thiểu tác động từ đợt khủng hoảng này, song chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison vẫn đối mặt với sự chỉ trích lớn từ phía người dân về cách xử lý trước và trong khi đợt cháy rừng xảy ra. Theo Reuters, nhiều cử tri đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi Thủ tướng nước này từ chức, với lý do rằng ông đã không có những quyết sách mạnh mẽ để hành động chống biến đổi khí hậu.

Những dòng chữ #NotMyPrimeMinister (không phải thủ tướng của tôi) hay #ScoMoResign (ScoMo từ chức) xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Twitter và nhận được sự ủng hộ của nhiều tình nguyện viên tham gia cuộc chiến chống giặc lửa này. Thời gian gần đây, Thủ tướng Morrison cũng hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến chính sách của Australia với biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm chiến lược phát triển năng lượng than đá. Ông cũng trở thành tâm điểm của dư luận khi đi nghỉ ở Hawaii cùng gia đình giữa lúc cháy rừng hoành hành. 

Thủ tướng Australia sau đó rút ngắn kỳ nghỉ, trở về Sydney và giải thích rằng ông cần giữ lời hứa với gia đình để cân bằng trách nhiệm công việc và cuộc sống. “Tôi rất lấy làm tiếc nếu kỳ nghỉ với gia đình làm những người dân chịu ảnh hưởng bởi cháy rừng cảm thấy bị xúc phạm”, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói. Ngay sau đó, trong ngày 23-12, Thủ tướng Scott Morrison đã trực tiếp đi khảo sát, nắm tình hình cháy rừng tại bang New South Wales.

Ông Morrison khẳng định Australia cần có hành động thực tế để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu ở mọi cấp độ. Ông cũng nhấn mạnh ngay sau khi các vụ cháy rừng chấm dứt sẽ tiến hành các cuộc điều tra liên quan đến các yếu tố chính dẫn tới các nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng, bao gồm chính sách quản lý đất đai.

Thủ tướng Morrison cũng cho biết, một số nhân viên chính phủ đã xin nghỉ phép để tham gia chữa cháy rừng. Ông Morrison cũng kêu gọi các công ty tư nhân hưởng ứng động thái của chính phủ và hỗ trợ các lao động tình nguyện tham gia chữa cháy rừng.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top