Những cảnh báo mới về tình hình trên Biển Đông

10:23 - Thứ Sáu, 04/09/2020 Lượt xem: 98876 In bài viết

Cuối tháng 8, đầu tháng 9, hàng loạt quốc gia lên tiếng kêu gọi và hối thúc Trung Quốc giảm các hành động quân sự trong khu vực, nhất là khi nước này tiến hành tập trận ở Biển Đông.

Phản ứng của Mỹ, Australia và Nhật

Trong bài viết đăng tải ngày 1/9, hãng Financial Times đã trích dẫn đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc về khả năng phòng thủ trên biển của Bắc Kinh. Theo đó, hải quân Trung Quốc lớn nhất thế giới và có lợi thế hơn Mỹ với nhiều tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất có khả năng bay xa hơn.

"Trung Quốc đang hiện thực hóa các tuyên bố phi lý về chủ quyền hàng hải và lãnh thổ ở Biển Đông bằng cách tập trung lắp đặt các vũ khí tấn công mạnh nhất, bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay đầu tiên...", Lầu Năm Góc cảnh báo. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, những vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trên Biển Đông đang đe dọa hòa bình và an ninh khu vực; đồng thời hối thúc Trung Quốc giảm các hành động này.

Sơ đồ một căn cứ quân sự của Trung Quốc được xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Cụ thể, hôm 27/8, Lầu Năm Góc xác nhận lực lượng của Trung Quốc đã phóng 4 quả tên lửa đạn đạo trong các cuộc tập trận ở khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cho rằng động thái này đặt ra nghi vấn về cam kết của Bắc Kinh trong việc tránh các hành động mang tính khiêu khích.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ: "Những hành động như vậy đã vi phạm các cam kết của Trung Quốc trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 nhằm tránh các hành động có thể gây phức tạp hoặc leo thang căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực".

Gọi đây là một trong những động thái mới nhất trong chuỗi các hành động nhằm hiện thực hóa các yêu sách trái phép về chủ quyền trên biển và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khi phát biểu tại một sự kiện ở Hawaii hôm 26/8 cho biết, từ tháng 7, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh giảm các hành động quân sự trong khu vực, nhưng thay vào đó Trung Quốc lại lựa chọn leo thang căng thẳng bằng cách phóng tên lửa đạn đạo.

Ông Mark Esper nhấn mạnh, Trung Quốc không tôn trọng những cam kết trước đó với cộng đồng quốc tế, bao gồm việc không quân sự hóa Biển Đông và kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết, lên án hành động của Trung Quốc.

Chưa hết, để thể hiện rõ quan điểm, Mỹ còn tuyên bố trừng phạt 24 công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc có liên quan đến việc xây dựng và tiếp tế nhu yếu phẩm cho các căn cứ của nước này trên Biển Đông. Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ, 24 công ty Trung Quốc nói trên “có vai trò” trong việc xây dựng phi pháp và quân sự hóa những đảo nhân tạo đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích trên Biển Đông.

Còn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ hạn chế thị thực đối với những cá nhân Trung Quốc có liên quan tới các hoạt động trên cũng như những người có liên quan tới việc “ngăn chặn các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông tiếp cận các nguồn tài nguyên trên biển”.

Cũng theo tin từ Financial Times, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ-Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm Australia đẩy mạnh các lời kêu gọi chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, Australia đã quyết tâm lên tiếng nhiều hơn về các tranh chấp trên biển để thể hiện sự ủng hộ về mặt tinh thần đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Hồi tháng 8, Australia đã đệ trình một công hàm ngoại giao chính thức lên Liên hợp quốc (LHQ), bác bỏ "đường chín đoạn" mà Trung Quốc dựa vào để đưa ra yêu sách đối với phần lớn Biển Đông. Chính quyền Canberra khẳng định không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng giữa các thực thể địa lý rồi tạo thành đường thủy nội bộ và cũng không có cơ sở pháp lý cho những bao biện của Bắc Kinh về chương trình xây đảo nhân tạo trên Biển Đông nhằm tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế hoặc lãnh hải.

Quan điểm của Australia là không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, một nguồn tin cấp cao khác cho biết chính quyền Canberra cảm thấy điều quan trọng là phải đưa ra một tuyên bố để cho các nhà lãnh đạo Đông Nam Á (ASEAN) thấy rằng họ có sự ủng hộ từ bên ngoài đối với quyền chủ quyền của họ.

Trong khi đó, Nhật Bản bày tỏ quan ngại về các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Hôm 28/8, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi còn nêu rõ, Nhật Bản đang theo dõi tình hình Biển Đông một cách thận trọng và đây là một vấn đề quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. "Nhật Bản phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và kiên trì ủng hộ nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển", ông Toshimitsu Motegi nói.

Hành động của các nước ASEAN

Nhận định về những gì đang diễn ra trên Biển Đông hiện nay, ông Micheal Shoebridge, Giám đốc chương trình Quốc phòng, Chiến lược và An ninh quốc gia thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia, một trong những cơ quan nghiên cứu chính sách hàng đầu của Australia cho biết, công hàm của Australia gửi LHQ “là tin vui không chỉ đối với các quốc gia quan tâm đến vấn đề Biển Đông mà còn đối với luật pháp quốc tế, với tự do hàng hải nhằm kiềm chế các nước có tham vọng mở rộng chủ quyền thông qua các hoạt động quân sự hóa và cưỡng chế.

"Động thái của Australia tiếp nối các công hàm ngoại giao trước đó của Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Mỹ, tạo ra nền tảng để ngăn cản Trung Quốc gia tăng các hoạt động nhằm kiểm soát trái pháp luật các thực thể ở Biển Đông. Đây là một chiến thắng nhỏ của luật pháp quốc tế. Nó thể hiện sự phát triển của cách tiếp cận thông thường đối với Biển Đông. Cách tiếp cận này củng cố quy tắc hàng hải hiện có mà không gây thêm bất ổn cho khu vực”, ông Micheal Shoebridge phân tích.

Đồng quan điểm này, TS Bec Strating, chuyên gia nghiên cứu tranh chấp hàng hải ở châu Á, quyền Giám đốc Trung tâm châu Á thuộc Trường Đại học La Trobe của Australia chỉ rõ, việc các nước trong khu vực như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ bày tỏ công khai quan điểm của mình, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông đã tiếp thêm "sức mạnh" cho các quốc gia ASEAN, nhất là những nước đang có tranh chấp hoặc bị Trung Quốc đè nén, áp đặt và chiếm đóng trái phép các đảo trên biển. Philippines, hôm 20-8 đã gửi công hàm ngoại giao phản đối lực lượng Trung Quốc tịch thu ngư cụ của ngư dân nước này giăng tại bãi cạn Scarborough, ngoài khơi tỉnh Zambales.

Nối tiếp hoạt động của Philippines, hồi tháng 8, Malaysia một lần nữa lại bác bỏ các yêu sách chủ quyền hàng hải phi lý của Trung Quốc ở biển Đông bằng cách đệ trình lên LHQ một công hàm có nội dung khẳng định các quyền đối với phần còn lại của thềm lục địa bên ngoài dải 200 hải lý tính từ đường cơ sở của họ. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein trong một phiên họp Quốc hội đã lưu ý rằng Malaysia và các nước ASEAN cần phải thận trọng, không để bị lôi kéo vào tranh chấp giữa các nước lớn và phải bảo đảm sự đoàn kết trong khối ASEAN khi giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, không nên dùng vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông để gây bất hòa giữa các nước trong khối.

Được biết, tại Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi cuối tháng 6, các quốc gia ASEAN cũng đã nhấn mạnh cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Việt Nam phản ứng trước việc Trung Quốc tập trận bắn tên lửa ở Biển Đông

Ngày 31/8, trả lời câu hỏi của một số phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc thông tin về việc nước này tiến hành tập trận quân sự, bắn tên lửa tại Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc tập trận ở khu vực Biển Đông đã được nêu trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 26/8.

Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà không được Việt Nam cho phép là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, không có lợi cho hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông". 

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top