Loại bỏ các dự án không tự phục hồi

15:06 - Thứ Ba, 09/03/2021 Lượt xem: 38777 In bài viết

Qua nhiều năm “đại phẫu”, khắc phục hậu quả 12 đại dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương, có 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, 2 dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Bình Phước) được ra khỏi diện theo dõi, xử lý các dự án thua lỗ ngàn tỷ đồng. 

Một số dự án đã có tín hiệu phục hồi, duy trì sản xuất, có sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, dù còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn. Một số dự án vẫn dở dang hoặc dừng hoạt động. Có 5 dự án tranh chấp hợp đồng tổng thầu EPC, đã đàm phán nhiều lần nhưng chưa  thành công, chưa quyết toán được hợp đồng nên không đủ cơ sở pháp lý để thoái vốn. Trong khi đó, dư nợ với ngân hàng của các dự án này ngày càng phình to, tiếp tục gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nhà nước.

Số liệu báo cáo đến 6 tháng đầu năm 2020 cho biết, 12 đại dự án trên có tổng tài sản hơn 59.000 tỷ đồng, nhưng âm vốn chủ sở hữu hơn 7.200 tỷ đồng; tổng số nợ phải trả đã trên 63.300 tỷ đồng và còn lỗ lũy kế hơn 26.300 tỷ đồng... Việc đánh giá này còn chưa đầy đủ, do 5 dự án còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng tổng thầu EPC nên chưa xác định chính xác trị giá các dự án.

Dư luận rất đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào đầu tháng 3 khi yêu cầu đưa ra khỏi danh mục các dự án không thể khắc phục để xử lý dứt khoát theo hướng thanh lý, giải thể, cho phá sản theo quy định, thu hồi tối đa tài sản Nhà nước để giảm thiệt hại. Dư luận cũng đồng tình với chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ là không rót thêm vốn, sử dụng ngân sách để cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước. Về giải pháp, thời gian tới, các tập đoàn, tổng công ty cần tính toán cơ cấu lại các dự án theo đúng thẩm quyền, quy định trên tinh thần hạn chế thấp nhất tiêu cực đối với ngân sách, nền kinh tế và để các doanh nghiệp này tự phục hồi; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; lưu ý khâu đánh giá, thẩm định tài sản để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng. 

Trước mắt, các cơ quan, tập đoàn, tổng công ty liên quan cần nhanh chóng đánh giá, phân loại từng dự án theo 3 nhóm gồm: dự án phục hồi, có lãi; dự án có thể tái cơ cấu để phục hồi; và dự án không thể tái cơ cấu, phục hồi, kiên quyết cho phá sản, giải thể... 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần có hướng xử lý cụ thể đối với 3 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Bộ Công thương cần trình phương án xử lý đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (trùm mền gần 10 năm qua, bị ngân hàng kiện vì để lại khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng) trước ngày 10-3 để Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo.

Đối với các dự án có khả năng hồi phục, các tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư phải thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp để giảm lỗ và tiến tới có lãi; thực hiện các giải pháp tài chính trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc thị trường, chia sẻ rủi ro kinh doanh với các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Các bộ, ngành liên quan thanh tra, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả tại các dự án; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện giải pháp xử lý các dự án, không để các “cục nợ” dây dưa năm này qua năm khác. Với những dự án phải loại bỏ, cần đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước, người lao động, an sinh - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top