Sự kiện & Bình luận

Chương trình ngời tính nhân văn

08:17 - Thứ Ba, 14/09/2021 Lượt xem: 29153 In bài viết

ĐBP - Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Chương trình xuất phát từ ý tưởng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo dư luận xã hội thì Chương trình ngời tính nhân văn. Vì rằng, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn quốc. Rất nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện các biện pháp giãn cách để phòng, chống dịch. Do đó, việc dạy và học của học sinh, sinh viên gặp rất nhiều khó khăn. Một số tỉnh hiện nay vẫn chưa thể cho học sinh trở lại trường, mặc dù ngày khai giảng (5/9) đã qua hơn 1 tuần. Phần lớn các tỉnh trong vùng dịch thực hiện học trực tuyến, thay cho trực tiếp.

Dịch bệnh bùng phát, nhưng học sinh, sinh viên thì không thể ở nhà mãi được. Không thể cứ "nghỉ hè đến tết và nghỉ tết đến hè" mà phải thực hiện phương châm "Ngừng đến trường, nhưng không ngừng học". Trong cái khó ló cái tầm. Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết tâm thực hiện 4.0 trong dạy và học.

Những tỉnh, thành phố, địa phương nào tình hình dịch bệnh tương đối ổn định thì cho học sinh học trực tiếp. Vùng dịch thì học trực tuyến (qua internet, qua tivi...). Dù trong hoàn cảnh nào cũng không để học sinh phải nghỉ học quá lâu, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, lâu dài là chất lượng nguồn nhân lực cho quốc gia, dân tộc.

Sau lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" (tối 12/9), đã có nhiều tổ chức, cá nhân, "Mạnh thường quân"... tham gia ủng hộ, tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng. Với truyền thống "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách", mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, doanh nghiệp... tùy vào lương tâm, trách nhiệm, nguồn kinh tế của mình và gia đình mà ủng hộ Chương trình (bằng tiền mặt, hiện vật là máy tính, điện thoại thông minh cũ, mới).

Vẩn biết rằng, việc phát động ủng hộ Chương trình "Sóng và máy tính cho em" lần này sẽ gặp một số khó khăn, do sau 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung, các gia đình nói riêng gặp không ít khó khăn. Từ đầu năm đến nay, chúng ta cũng đã tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội: Quỹ Vắc xin Covid-19, ủng hộ người dân các tỉnh có "đại dịch", Quỹ Ngày vì người nghèo, Nạn nhân chất độc da cam... Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta "bàng quan" với Chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Nguồn kinh phí Chương trình "Sóng và máy tính cho em" dùng vào 3 nội dung chính: Đảm bảo việc phủ sóng di động. Chương trình hướng tới phủ sóng 100% toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện học trực tuyến; phủ sóng 100% toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối internet di động trên toàn quốc...

Với địa phương nghèo như Điện Biên, thì đây là những thông tin đáng vui mừng. Vì rằng, trong thời gian tới, những xã, bản, trường học... là vùng "lõm" về internet, Wifi sẽ được bao phủ "mạng". Rất nhiều học sinh, sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ máy tính học tập, nghiên cứu.

Năm học 2021 - 2022 tỉnh ta có trên 203.500 học sinh các cấp. Ngày 5/9, toàn bộ học sinh của tỉnh đã khai giảng năm học mới. Việc dạy và học đang diễn ra bình thường (học trực tiếp). Tuy nhiên, tỉnh đã đề ra nhiều kịch bản khác nhau. Nếu tới đây, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc dạy và học có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, chất lượng vẫn đảm bảo.

Khi thực hiện dạy và học trực tuyến, yêu cầu học sinh phải có điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, Wifi. Là tỉnh nghèo, phần lớn học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số gặp khó khăn. Việc trang bị điện thoại thông minh, máy vi tính không phải gia đình nào cũng thực hiện được, nhất là với gia đình đông con trong tuổi đi học. Do cách trở về địa lí, giao thông, nhiều bản, điểm trường cụm bản hiện nay chưa có điện lưới quốc gia, việc học trực tuyến của các em càng khó khăn bội phần. Lộ trình của Chương trình là, giai đoạn 1, trong năm 2021, dự kiến huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc. Giai đoạn 2, từ năm 2022 - 2023, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để thực hiện học trực tuyến. Thứ nữa, Chương trình sẽ miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến; miễn phí 100% cước internet di động khi sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố... Thực hiện được như vậy, thì không chỉ học sinh mà bố mẹ các cháu, giáo viên và cả lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng rất vui mừng, phấn khởi.

Việc học trực tuyến, trước mắt sẽ gặp một số khó khăn: thiếu điện thoại thông minh, thiếu máy tính, thiếu điện vận hành máy, thiếu internet, Wifi... Nhưng về lâu dài, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc, thì đây là giải pháp hay, là lựa chọn "không thể thay thế" để chúng ta cùng nỗ lực nghiên cứu và đồng thuận thực hiện. "Vạn sự khởi đầu nan". Cái gì cũng vậy, lúc đầu mới áp dụng sẽ khó khăn, thiếu thốn, bỡ ngỡ, bất cập... Nhưng thực hiện một thời gian sẽ quen dần, trở nên thuần thục, thành kỹ năng, sẽ thấy được hiệu quả to lớn mà nó mang lại.

Việc huy động nguồn vốn cho Chương trình "Sóng và máy tính cho em" cũng vậy. Đầu tiên sẽ khó khăn, số người dân, cơ quan, tổ chức... ủng hộ chưa nhiều, chưa phổ quát. Nhưng khi "Chương trình" lan tỏa ra diện rộng, người dân thấy được sự cần thiết, ý nghĩa thiết thực, tính nhân văn của nó. Mục tiêu sâu xa của Chương trình là vì các em học sinh, sinh viên nghèo vùng khó khăn... Tất cả vì tương lai con em chúng ta, vì sự hưng thịnh của đất nước, thì mỗi người dân sẽ chủ động tham gia, ủng hộ nhiệt tình.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top