Y tếSức khỏe

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

00:00 - Thứ Sáu, 08/05/2015 Lượt xem: 1334 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Kế hoạch số 1129/KH-UBND ngày 2/4/2015 của UBND tỉnh về Kế hoạch triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm"; Kế hoạch số 296/KH-BCĐ ngày 3/4/2015 triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong năm 2015 với chủ đề "sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn", đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Điện Biên Phủ ra quân tổ chức thanh, kiểm tra đợt cao điểm tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm từ ngày 15/4 - 15/5 trên địa bàn. 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp trên địa bàn quản lý về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe, chứng chỉ tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm của những người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nhãn sản phẩm hàng hóa thực phẩm (đối với sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn); nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm khác theo quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở chế biến ăn uống phải tuân thủ các quy định về điều kiện vệ sinh, cơ sở vật chất; quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm của người trực tiếp sản xuất, chế biến... Bên cạnh việc thực hiện thanh, kiểm tra trong tháng cao điểm, các cơ quan chức năng còn tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, như: tập huấn các văn bản quy định về an toàn thực phẩm cho người sản xuất kinh doanh; phát tin bài trên hệ thống loa công cộng, treo băng rôn trên các trục đường chính, kết hợp trong công tác kiểm tra tại cơ sở.

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở các chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Thu Hằng

Thực tế cho thấy, hàng năm TP. Điện Biên Phủ tổ chức 4 - 5 đợt cao điểm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo từng chuyên đề, như: Tết Trung thu, tết Nguyên đán, tháng hành động... song kết quả chấp hành và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân cũng như hộ kinh doanh còn rất khiêm tốn. Theo thống kê của cơ quan chức năng, TP. Điện Biên Phủ có 161 cơ sở chế biến thức ăn đường phố; chủ yếu tập trung tại các chợ và trên trục đường Nguyễn Chí Thanh (đường 15m); chợ xép cầu Mường Thanh (phường Mường Thanh). Do chưa được quy hoạch chợ nên các quán bán đồ ăn sáng, như: bún, phở được bày bán lộn xộn, hàng ăn sáng đặt sát hàng bán thịt lợn, thịt bò tươi sống. Hàng ăn bày bán ẩm thấp, lụp xụp ngay cạnh là hệ thống rãnh thoát nước. Bánh phở cho vào bát rồi lại bốc thịt bò nhúng, chan nước đều thực hiện trên đôi tay trần, không đeo găng chế biến thực phẩm. Một chiếc thớt vừa thái thịt bò sống nhưng nếu khách gọi phở gà, thì người làm hàng sẵn thớt thái luôn cả thịt gà chín. Bên cạnh đó, cảnh tượng bát đĩa đã sử dụng vứt ngay dưới sàn nhà vừa mất mỹ quan vừa là nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó thực khách chủ yếu là các tiểu thương và người đi chợ, thấy tiện và rẻ nên tặc lưỡi dùng nhanh.

Theo ông Vũ Văn Long, Trưởng phòng Y tế TP. Điện Biên Phủ cho biết: Các đoàn kiểm tra liên ngành không được phép xử phạt hành chính mà chỉ là cơ quan tham mưu trong việc xử lý vi phạm do đó chưa đủ sức răn re đối với với những đối tượng cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, vì mưu sinh nên các hộ tiểu thương nhắm mắt làm ngơ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví như khi gặp các cơ quan chuyên môn lấy mẫu thức ăn kiểm định là cho đồ lên xe trốn chạy, né tránh, gây không ít khó khăn cho các cơ quan chuyên môn khi thực hiện nhiệm vụ. Khi vi phạm, bị nhắc nhở, nhiều tiểu thương kinh doanh đồ ăn sẵn dời đi địa bàn khác kinh doanh, gây khó quản lý đối với những hộ vi phạm nhiều lần. Mặt khác, nhiều người tiêu dùng lựa chọn những thứ đồ rẻ, ngon và tiện lợi, không để ý đến các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Những sở thích và thói quen đó là con đường nhanh nhất để thực phẩm "bẩn" dễ dàng xâm nhập. Vì vậy để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong ngày nắng nóng nên hạn chế sử dụng những thực phẩm chế biến sẵn.

Thành Đạt
Bình luận
Back To Top