Y tếSức khỏe

Xử trí khi bị say nắng

00:00 - Thứ Hai, 18/05/2015 Lượt xem: 1786 In bài viết
ĐBP - Say nắng là hiện tượng sốc nắng do phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc ở nhiệt độ cao. Đặc biệt hay gặp vào thời điểm giữa trưa. Đối tượng thường bị say nắng là trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bị bệnh tim mạch và suy dinh dưỡng.

Khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị rối loạn điều hòa, thân nhiệt và mất nước cấp. Cơ thể sẽ có các phản ứng làm giảm thân nhiệt như: giãn nở các mạch máu ngoại vi, tăng bài tiết mồ hôi. Tùy thuộc vào sức chịu đựng của từng người, khi sự điều hòa nhiệt độ của cơ thể không thích ứng kịp thời với sự thay đổi nhiệt độ quá nhanh và quá cao của môi trường thì tình trạng say nắng xảy ra.

Biểu hiện trường hợp nhẹ thường có các rối loạn chuyển hóa nước, tuần hoàn, hô hấp; mất thăng bằng, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ bừng, vã mồ hôi, khó chịu, hoa mắt, mạch nhanh, đau bụng, thân nhiệt tăng cao. Trường hợp nặng, sẽ rối loạn nội tiết, tiêu hóa, cảm giác đắng miệng, ù tai, hoa mắt; nặng hơn nữa là ức chế thần kinh trung ương, da xanh tím, mạch nhanh và nhỏ, huyết áp hạ, sùi bọt mép, co giật, hôn mê dễ dẫn đến tử vong.

Khi gặp người bị say nắng, cần nhanh chóng thực hiện những biện pháp sơ cứu và khẩn trương chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo. Nếu người bệnh tỉnh thì cho uống nước từng ngụm nhỏ, (nước có pha một chút đường và muối càng tốt), sau đó cho uống nước ép trái cây, nước khoáng, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt cao, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Để tránh bị say nắng, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa: Đó là không làm việc quá lâu ngoài trời nắng. Với những người phải làm việc thường xuyên ngoài trời nắng thì cứ làm việc một tiếng cần nghỉ ngơi 15-20 phút. Uống đầy đủ nước khi trời nóng hoặc lao động nặng, nước cần pha thêm ít muối. Luôn mặc trang phục bảo hộ lao động có mũ, nón, kính... khi làm việc ngoài trời nắng như. Không sử dụng đồ uống có chất kích thích như rượu hay cà phê. Ăn nhiều thực phẩm có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc như: bí đao, mướp đắng, dưa chuột, đào, dưa hấu, táo... Đối với trẻ nhỏ tránh cho trẻ chơi quá lâu ngoài nắng nóng và phải cho trẻ uống nhiều nước và đội mũ khi ra nắng.

Hải Hậu

(T4G)

Bình luận
Back To Top