Y tếSức khỏe

Tội ác mang tên thực phẩm bẩn

00:00 - Thứ Ba, 08/12/2015 Lượt xem: 1914 In bài viết
Theo thống kê của Chương trình phòng chống Ung thư Quốc gia, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200 nghìn ca ung thư mới phát hiện, trong đó có 70 nghìn ca tử vong, 80% bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội mới tiến hành, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%, nghĩa là có từ 700 nghìn đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, đặc biệt, khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30.

Những con số thống kê hằng năm chưa thật đầy đủ về hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm và hàng chục nghìn vụ vi phạm quy định bảo vệ môi trường thể hiện trĩu nặng sự lo âu của người dân. Hằng ngày, biết bao người tiêu dùng (NTD), nhất là ở các đô thị lớn, ngơ ngác, hoang mang trước biển hàng hóa ngập tràn các quầy hàng, kệ tủ, vì không biết chắc mua ở đâu để có thực phẩm không nhiễm thuốc trừ sâu mới phun hay bơm chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng hoặc chứa đầy các kim loại nặng từ vùng đất ô nhiễm? NTD tiến thoái lưỡng nan, đành tặc lưỡi “không ăn thì chết, ăn vào thì chết từ từ”. Mà cũng phải thôi, làm gì mà chả khó tìm thực phẩm sạch, khi mà người trồng rau thì chia làm hai luống, một để nhà ăn không dùng thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc trừ sâu, còn luống trồng mang ra chợ bán thì “vô tư đi”. Nuôi gia cầm, gia súc mang bán thì dùng thức ăn thiếu kiểm định và lạm dụng thuốc tăng trọng, dùng hóa chất độc để tân trang thịt cho đẹp, cho tươi lâu, rồi còn bơm nước trực tiếp vào thịt để ăn cả tiền “dôi ra” nữa.

Rau phun thuốc tăng trưởng, thịt có chất tạo nạc, hoa quả ngâm hóa chất ép chín khiến NTD không thể nhận biết đâu là đồ sạch. (Ảnh minh họa)

Hàng hóa ngoại nhập thì mập mờ nguồn gốc và chất lượng, bởi “hàng rào kỹ thuật” thì hoặc không có, hoặc dễ “thủng” vì thiếu sự kiểm soát và dễ “bôi trơn”; còn người nhập hàng thì “hạch toán kinh doanh”, sao cho chi phí giá thành rẻ nhất, bán nhanh nhất, có lời cao nhất là được, bất chấp quyền lợi NTD, uy tín thương hiệu và đạo đức kinh doanh. Cũng phải thôi, khi mà NTD còn ngơ ngác hơn vì chứng kiến trên diễn đàn Quốc hội “quả bóng chất lượng” thực phẩm sạch bị đá chuyền qua lại giữa các bộ ngành, còn việc tiếp nhận và phản hồi những yêu cầu và tranh chấp chất lượng của NTD từ cơ quan chức năng và Hội bảo vệ người tiêu dùng thì như “đá ném ao bèo”…

Thực phẩm bẩn đáng sợ hơn khủng bố. Trên thực tế, ở góc độ nào đó, khủng bố chỉ đe dọa tâm lý và trực tiếp làm thiệt mạng hay bị thương một số người trong một số thời điểm; còn thực phẩm bẩn trực tiếp và gián tiếp đe dọa sức khỏe và sinh mạng hầu hết mọi người, cả một quốc gia, thậm chí còn cả nhân loại, thông qua các kênh xuất-nhập khẩu hàng hóa.

Thực phẩm bẩn và nạn ô nhiễm môi trường không khí, nước sạch là nguyên nhân hàng đầu làm thoái hóa giống nòi và trả lời cho câu hỏi vì sao tình trạng mắc bệnh ung bướu, với vô sinh ngày càng nhiều, trực tiếp đe dọa hạnh phúc khoảng 10-15% cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ và vì sao người ta không ăn nhiều mà cứ béo phì phi lý và lắm bệnh nan y, cứ ra đầu hè, cuối ngõ là gặp.

Thực phẩm bẩn gây tổn thất về sức khỏe, kinh tế và đặc biệt đe dọa cả sinh mạng du khách, do đó làm cản trở sự phát triển du lịch, nhất là du lịch ẩm thực-văn hóa.

Theo Hiến pháp Việt Nam năm 2013 (Điều 38 và Điều 43): Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường…Được ăn sạch, sống sạch là tiêu chuẩn nhân quyền cơ bản của xã hội văn minh; là thước đo và động lực phát triển của một dân tộc khỏe mạnh, là yêu cầu ngày càng cấp thiết của quản lý nhà nước trước sự thoái hóa và tha hóa mặt trái của kinh tế thị trường dã man.

Bởi vậy, cần nghiêm khắc nhận diện sâu sắc và đầy đủ hơn về hiểm họa từ thực phẩm bẩn; Tăng cường nhận thức, tuyên truyền, tiến tới khẳng định thông điệp về xã hội coi các hành vi sản xuất-phân phối và lơ là trách nhiệm trong quản lý thực phẩm bẩn là dung túng cái ác, đồng lõa với tội ác chống lại đồng bào, dân tốc, chống lại loài người.

Đặc biệt, cần khẩn trương luật hóa các quy chuẩn và tiêu chuẩn chất lượng, các hàng rào kỹ thuật; phân công và phân cấp quản lý nhà nước rõ ràng, với các trách nhiệm cá nhân cụ thể; tăng cường kết nối và kiểm tra theo quy trình đồng bộ, với các chế tài nghiêm khắc nhất, để hỗ trợ phát triển sản xuất sạch, sản phẩm và thực phẩm sạch, loại trừ những hành vi vô cảm, vô trách nhiệm, vô đạo đức và lóa mắt vì lợi ích cá nhân, những biểu hiện phi lý tính và thiếu nhân văn, viện cớ lợi nhuận và cạnh tranh giá cả, mà nhắm mắt làm ngơ trước thực phẩm bẩn. Về lâu dài, chính việc sản xuất và cung cấp thực phẩm bẩn sẽ giết chết nền sản xuất nội địa, làm phá sản ngay những người, dơn vị và quốc gia cung cấp các sản phẩm-thuốc độc này.

Chống thực phẩm bẩn cần thái độ kiên quyết, khẩn trương, sự phối hợp các nỗ lực tổng hợp, sự tổ chức chặt chẽ như chống tội ác khủng bố, vì lợi ích của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau!

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top