Y tếSức khỏe

Thời điểm trước và sau Tết: Gia tăng nỗi lo ngộ độc rượu

00:00 - Thứ Hai, 04/01/2016 Lượt xem: 2340 In bài viết
Cứ vào thời điểm trước và sau Tết, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu thường gia tăng. Nguyên nhân thường đến từ các bữa tiệc liên hoan, tiệc tất niên - nơi rượu được xem là yếu tố "nhân đôi niềm vui" còn chất lượng rượu ra sao thì người tiêu dùng ít quan tâm.

Cái miệng hại cái thân

Ngay trong ngày 31-12, ngày cuối cùng của năm 2015, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện (BV) Bạch Mai) đã tiếp nhận bệnh nhân nam N.T.H. (49 tuổi ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được chuyển đến trong tình trạng hôn mê. Theo người nhà bệnh nhân, trước thời điểm nhập viện 3 ngày, anh H. đã uống rất nhiều rượu. Khi đã quá chén, bệnh nhân rơi vào trạng thái lơ mơ rồi nhanh chóng rối loạn ý thức. Dù được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng khi đến BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, bệnh nhân đã hôn mê sâu, huyết áp tụt, đồng tử giãn... Sau khi tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản, thở máy, bệnh nhân được xét nghiệm, chiếu chụp, chẩn đoán hôn mê gan, BV tỉnh đã chuyển bệnh nhân đến BV Bạch Mai.

Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân, qua thăm khám và dựa vào các kết quả xét nghiệm mà BV Nghệ An đã làm, các y, bác sĩ đã nghĩ đến tình trạng ngộ độc rượu, chính xác là ngộ độc methanol. Kết quả xét nghiệm lại cũng cho thấy, hàm lượng methanol trong máu của bệnh nhân cao (107mg/dl). Hiện bệnh nhân vẫn đang được cấp cứu tích cực, lọc máu liên tục...

Trước tình trạng ngộ độc rượu hiện nay, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho rằng, hiện chất lượng rượu là vấn đề đáng bàn. Vụ ngộ độc rượu Hà Nội 29 khiến 6 người tử vong từng gây chấn động dư luận là một minh chứng. Rượu giả pha từ cồn công nghiệp chứa nhiều methanol có thể gây ngộ độc nặng. Bệnh nhân thường thở nhanh, sâu do toan chuyển hóa, viêm thần kinh thị giác dẫn đến nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn thấy các đốm, thu hẹp thị trường hoặc mù hẳn. Trường hợp nặng thì sẽ giãn đồng tử, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, co giật, suy thận và tử vong.

Với rượu có tạp chất là ethylene glycol các biểu hiện ban đầu giống say rượu thông thường nhưng sau đó có nhiều tổn thương khác như tăng huyết áp, suy hô hấp, suy tim, suy thận và có thể tử vong. Thế nhưng, điều đáng bàn ở chỗ, không thể phân biệt rượu nấu thông thường và rượu pha methanol nên nếu uống phải, người bệnh cũng không phân biệt được. Bác sĩ Lương Quốc Chính cho rằng, khi say rượu thật và rượu pha methanol, người bệnh đều xuất hiện tình trạng loạng choạng, hoa mắt nên chủ quan và nghĩ rằng, chỉ cần nằm nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ thì hết say. Nhưng nếu là ngộ độc methanol, người bệnh sẽ nhanh chóng rơi vào nguy hiểm, mất ý thức, tím tái, hôn mê, tụt huyết áp..., thậm chí có thể tử vong.

Phải tự cứu lấy mình

Nhiều người chủ quan cho rằng, say rượu không nguy hiểm, thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Ngộ độc rượu thường xảy ra ở hai dạng: Cấp tính và mạn tính. Ngộ độc rượu cấp tính khiến người uống bị mất thăng bằng, nôn, rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí tử vong. Trường hợp ngộ độc mạn tính sẽ gây bệnh loạn thần do rượu. Người mắc bệnh này sẽ có những thay đổi lệch lạc trong lời nói, cử chỉ, bị hoang tưởng, có hành động nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Dịp tết Ất Mùi có tới hơn 6.000 trường hợp đánh nhau phải nhập viện, gây tử vong 15 trường hợp mà phần nhiều đều liên quan đến rượu.

Bác sĩ Lương Quốc Chính khuyến cáo, khi uống rượu rất cần chú ý đến nguồn gốc của rượu. Để phòng ngộ độc rượu nên chọn loại rượu có thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm và chỉ uống với một lượng ít. Ngoài ra, cũng cần lưu ý trong khi uống rượu phải ăn cơm và thức ăn khác nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét. "Đặc biệt, sau khi uống rượu vài tiếng, có tình trạng đau đầu nhiều, hoa mắt chóng mặt, đặc biệt mờ mắt như nhìn bóng mây, khẩn trương đưa bệnh nhân đến viện. Khi tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc methanol, nhân viên y tế phải chuyển bệnh nhân tới trung tâm y tế có khả năng hồi sức và lọc máu sớm nhất khi có thể", bác sĩ Lương Quốc Chính cảnh báo.

Còn theo các bác sĩ Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), trước tiên chúng ta phải tự mình cứu lấy mình. Mỗi người chỉ nên dùng rượu trong khi ăn và uống với hàm lượng vừa phải. Cụ thể, một ngày với nam thì không nên quá 3 lon bia, với nữ chỉ là 2 lon bia. 3 lon bia tương đương 30ml rượu vang, tương đương với 15 đến 20ml rượu mạnh 40 đến 45 độ. Điều cấm kỵ là trong bữa tiệc không nên uống nhiều loại bia, rượu. Khi say rượu mà người nhà gọi hỏi không nhận thức được thì cần phải nhanh chóng đưa đến BV có đầy đủ phương tiện để theo dõi về hô hấp, về tuần hoàn. Người có những bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, xơ gan cũng phải hết sức thận trọng, không nên quá chén. Rượu có thể khiến lên cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn đến tai biến mạch não, rất nguy hiểm. Vì vậy, dù vui đến đâu thì người uống rượu cũng không nên quá chén.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top