Y tếSức khỏe

Nước sạch với sức khỏe con người

00:00 - Thứ Hai, 21/03/2016 Lượt xem: 2295 In bài viết
ĐBP - Nước là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Nước sạch rất cần thiết trong đời sống và sinh hoạt của chúng ta, nước có vai trò quan trọng với sức khỏe của con người. Hiện nay chúng ta đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước sạch từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và trong sinh hoạt hàng ngày. Sử dụng nguồn nước ô nhiễm có thể gây ra một số bệnh nguy hiểm cho con người.

Nước được gọi là nước sạch phải trong, không có màu, không có mùi vị lạ và không chứa các mầm bệnh và các chất độc hại. Ở nước ta, nguồn nước chính được người dân sử dụng, đó là: nguồn nước từ sông hồ, giếng khoan; nguồn nước mưa và nước đã qua xử lý tại các nhà máy (hay còn gọi là nước máy). Sử dụng nước sạch giúp chúng ta phòng được các loại bệnh qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A và các loại bệnh ngoài da, bệnh về mắt, bệnh phụ khoa…. Nước, ngoài việc dùng để uống còn rất cần trong sinh hoạt, sản xuất hàng ngày như: tắm, giặt, vệ sinh nhà cửa, bảo quản, chế biến thực phẩm và các nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Hiện nay, nguồn nước của chúng ta đang có nguy cơ ô nhiễm cao với các nguyên nhân chính do tự nhiên và do con người. Trong đó ô nhiễm do con người là nguy cơ trực tiếp gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chất thải, nước thải từ con người như phân, nước, rác; chất thải, nước thải từ các nhà máy, khu chế xuất và việc khai thác các khoáng sản; chất thải khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất thải khu giết mổ, chế biến thực phẩm và nguy hại nhất là chất thải phóng xạ. Phần lớn lượng chất thải, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đều không được xử lý mà đổ thẳng ra các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, các lò giết mổ và ngay cả một số bệnh viện cũng chưa được trang bị hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý này chưa đạt chuẩn. Do đó, nhiều ao hồ và sông ngòi bị ô nhiễm nặng. Đây chính là nơi mầm mống của dịch bệnh sinh sôi, phát triển. Nhiều hộ dân vẫn có thói quen sử dụng nước sông, ao hồ, kênh rạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày, khi người dân sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm này có thể gây ra một số bệnh như: bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, phụ khoa, viêm mắt, viêm da, ghẻ lở… Nếu không được kiểm soát và xử lý kịp thời, một số bệnh có thể lây lan thành dịch, gây thiệt hại lớn về sức khỏe, kinh tế cho con người và có thể dẫn tới tử vong.

Nước sạch là sự sống còn đối với đời sống con người. Vì vậy, cần phải có những biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên nước khỏi bị suy thoái, cạn kiệt. Cần nâng cao ý thức cộng đồng để giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác, phóng uế bừa bãi, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu theo đúng hướng dẫn. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước; sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch; xây dựng và sử dụng nhà vệ sinh hợp lý; thu gom, xử lý phân gia súc, động vật với hố ủ hợp vệ sinh; chuồng trại cách xa nguồn nước theo quy định vệ sinh; xử lý rác sinh hoạt và chất thải khác, các phương tiện chứa rác có nắp đậy kín, đủ sức chứa, nhất là rác hữu cơ ở gia đình, khu tập thể cũng như nơi công cộng, đồng thời có biện pháp xử lý hợp vệ sinh không gây ô nhiễm nguồn nước; có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ ra hệ thống cống chung, đồng ruộng hoặc sông ngòi; nước thải công nghiệp, y tế  phải xử lý theo quy định môi trường trước khi thải ra cộng đồng.

Bảo đảm nguồn nước sạch sẽ góp phần khống chế được 80% bệnh tật. Mỗi người cần nâng cao ý thức khi sử dụng nguồn nước sạch nhằm góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo vệ sức khỏe cho con người. 

Mai Phương (T4G)
Bình luận
Back To Top