Y tếSức khỏe

Phòng bệnh thoái hóa khớp ở người cao tuổi

00:00 - Thứ Hai, 21/03/2016 Lượt xem: 2568 In bài viết
ĐBP - Thoái hóa khớp được xem là căn bệnh của người già do quá trình lão hóa theo tuổi tác. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt, công việc. Khi bị thoái hóa khớp mà không phát hiện sớm để điều trị thì rất dễ dẫn đến tình trạng biến dạng khớp, làm hạn chế vận động, đôi khi làm cứng khớp.

Thoái hóa khớp tức là chỉ lớp sụn mềm ở ngay đầu xương bị thoái hóa là chính, ngoài ra thoái hóa khớp còn có hiện tượng giảm thiểu đáng kể việc tiết dịch nhầy của khớp (dịch khớp). Có nhiều khớp xương dễ bị thoái hóa nhưng hay gặp nhất vẫn là khớp gối, khớp đốt sống cổ, khớp đốt sống thắt lưng, khớp háng, khớp cổ chân, bàn chân… Mỗi khớp thoái hóa có những triệu chứng khác nhau.

Thoái hóa cột sống thắt lưng: Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau lưng nhiều vào buổi sáng, sau sẽ kéo dài cả ngày, tăng khi làm việc nhiều và giảm khi nghỉ ngơi. Thoái hóa cột sống hay gặp từ đốt sống thắt lưng trở xuống, thường ảnh hưởng đến thần kinh tọa làm người bệnh có cảm giác đau từ lưng xuống.

Thoái hóa cột sống cổ: Biểu hiện chủ yếu bằng đau cổ, hạn chế cử động cổ. Có thể gây biến chứng đau vùng cổ và tay do chèn ép hoặc kích thích rễ thần kinh, gây cảm giác mỏi và đau gáy, lan đến cánh tay bên phía dây thần kinh bị ảnh hưởng;

Thoái hóa khớp gối, khớp háng: Ngoài triệu chứng đau có thể kèm theo tiếng lạo xạo khi co duỗi gối, đau nhiều hơn khi đi lại vận động; nhất là khi ngồi xổm thì đứng dậy rất khó khăn, nhiều khi phải có chỗ tựa mới đứng dậy được. Bệnh nặng sẽ thấy tê chân, biến dạng khớp gối. Khi bị thoái hóa khớp háng, người bệnh đi lại khó khăn, thường đau ở vùng bẹn và mặt trước trong của đùi, cũng có khi đau vùng mông, mặt sau của đùi.

Thoái hóa khớp cổ chân, cổ tay: Người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng khớp cổ chân, cảm thấy vướng víu khi vận động. Các cơn đau nhói có thể xảy ra bất chợt hay khi gắng sức hoặc ấn vùng khớp cũng như va đập. Mức độ các cơn đau dao động từ nhẹ đến nặng, tăng trong quá trình vận động và giảm khi nghỉ ngơi, người bệnh thấy đau khi cử động quay cổ tay, cầm nắm đồ vật thấy thiếu lực, cử động thấy kêu lục khục ở cổ tay là triệu chứng điển hình của khô dịch khớp, gây đau nhức, tê bì ở cổ tay.

Để đề phòng và hạn chế thoái hóa khớp, ngay khi còn trẻ cần tập thể dục đều đặn, tránh bị thừa cân, tránh những động tác quá mạnh, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống. Sau đây là các biện pháp được các nhà chuyên môn khuyến cáo: Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp, tránh thừa cân béo phì. Ăn nhiều rau quả, uống nhiều sữa, đảm bảo đủ chất đạm cũng như tinh bột để cơ thể không thiếu dinh dưỡng, ăn vừa đủ chất béo. Xây dựng chế độ ăn khoa học để giữ cân nặng hợp lý cho cơ thể, tránh thừa cân, béo phì gây áp lực lên xương khớp. Đặc biệt, tránh dùng bia, rượu và các chất kích thích thần kinh vì các chất này thường gây co cứng cơ, giảm tác dụng của thuốc điều trị bệnh khớp. Ngoài ra, luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu lưu thông dễ dàng. Đó là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên khớp xương và giảm khả năng té ngã trong sinh hoạt và lao động. Giữ cơ thể ở tư thế tốt sẽ giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối. Ở tư thế thẳng sinh lý, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt khớp sẽ đạt mức tối đa vì thế lực đè ép sẽ tối thiểu. Hơn nữa, khi đó sẽ có sự cân bằng lực giữa các dây chằng và cơ bắp quanh khớp, giúp giảm nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp. Tránh mang vác nặng và quá sức: khi nâng hay xách đồ nặng, bạn cần chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay và khớp vai, khớp khuỷu; ở chân là khớp háng, khớp gối. Giữ nhịp sống thoải mái và thường xuyên thay đổi tư thế: Nên sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động. Không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể. Lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp. Điều trị tích cực các bệnh lý xương khớp mắc phải.

Xuân Bảy (T4G)
Bình luận
Back To Top