Y tếSức khỏe

Bệnh lao phổi và cách phòng tránh

00:00 - Thứ Hai, 28/03/2016 Lượt xem: 3639 In bài viết
ĐBP - Lao là bệnh truyền nhiễm, có nguy cơ lây lan cao trong cộng đồng. Bệnh có thể dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Những năm qua, hoạt động Chương trình Chống lao quốc gia ở tỉnh ta tiếp tục được duy trì, mở rộng bằng các chương trình hoá trị liệu ngắn ngày với quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS), đối phó với vấn đề lao - HIV và lao kháng thuốc lao. Trên 90% số bệnh nhân mắc lao được phát hiện, quản lý và điều trị khỏi bệnh. Mặc dù vậy, hoạt động phòng, chống lao ở các tuyến hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.

Cán bộ y tế soi tiêu bản đờm để chuẩn đoán bệnh lao phổi tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.

Theo báo cáo của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, trong năm 2015 đã phát hiện 157 ca mắc lao mới. Bệnh nhân lao nếu không được chữa trị, sẽ lây nhiễm cho khoảng 10 - 15 người khác. Tuy nhiên, những năm qua, công tác phát hiện nguồn lây vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau như: hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị với bệnh nhân lao, dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Mặt khác, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức chống lây truyền bệnh cho cộng đồng. Một trong những nguyên nhân đáng chú ý khiến tình hình dịch tễ lao ở Việt Nam thay đổi chậm chính là tình hình lao phổi đa kháng thuốc chưa được kiểm soát tốt. Mặt khác, sự thiếu hụt về nhân lực làm công tác chống lao và sự kỳ thị của xã hội… Bên cạnh đó, người dân vẫn có thói quen tự chữa bệnh mà không cần thầy thuốc... đang là những nguyên nhân khiến số người mắc lao ở Việt Nam vẫn còn cao.

Để phòng tránh lây nhiễm bệnh lao, người bệnh và người chăm sóc cần thực hiện các biện pháp sau: Mang khẩu trang khi tiếp xúc, không khạc nhổ bừa bãi, người bệnh nên có ống nhổ riêng, đờm khạc xong phải được đậy kín và đem tiêu hủy; không sử dụng chung đồ vật, quần áo, chăn màn; đồ dùng của người bệnh như: quần áo, chăn màn… cần vệ sinh bằng các chất diệt khuẩn và phơi nắng thường xuyên; vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng mát, tốt nhất nên lau sạch nhà với các hóa chất khử trùng như Cloramin B; có chế độ dinh dưỡng hợp lý; luyện tập thể dục hàng ngày; tiêm phòng lao cho trẻ theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng. Quan trọng nhất trong phòng bệnh là điều trị khỏi hẳn nguồn lây, muốn vậy người bệnh phải kiên trì uống thuốc, đúng thuốc, đúng liều, và đủ thời gian theo quy định.

Để phát hiện sớm bệnh lao, mọi người cần nhớ khi có các biểu hiện như: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm, sụt cân, mệt mỏi, điều trị kháng sinh 2 tuần không khỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Anh Sáu (T4G)
Bình luận
Back To Top