Y tếSức khỏe

Dưới nắng hè, coi chừng “trúng nóng”

00:00 - Thứ Tư, 04/05/2016 Lượt xem: 2309 In bài viết
Hè về, kéo theo nhiều kế hoạch vui chơi, giải trí: trại hè, du lịch, dã ngoại, sinh thái, thể thao mùa hè... Nhưng cái nắng rực rỡ của mùa hè cũng chứa chan nhiệt lượng, nhiều lúc cơ thể con người không thể điều tiết thích nghi, y học gọi là bị "trúng nóng", có thể nguy hiểm chết người.

Che chắn kỹ, uống nhiều nước phòng trúng nóng.

Thân nhiệt thường ổn định

Nhiệt trong cơ thể luôn có sự cân bằng động giữa lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt mất đi. Nhiệt sinh ra chủ yếu là do “chuyển hóa”, đốt cháy thức ăn, một phần là do hấp nhiệt bên ngoài. Lượng nhiệt thừa sẽ được cơ thể thải trừ qua bốn cách: dẫn truyền (conduction), đối lưu (convection), bức xạ (irradiation) và bay hơi (evaporation).

Nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt) luôn được giữ ổn định ở mức 37 độ C nhờ một trung tâm điều hòa thân nhiệt nằm ở vùng dưới đồi của hệ thần kinh trung ương. Trung tâm này hoạt động như một cái “ổn nhiệt” (thermostat), giúp thân nhiệt luôn hằng định không thay đổi. Sự thay đổi chỉ xảy ra khi nhiều bệnh lý làm rối trung tâm điều nhiệt khiến cơ thể bị tăng thân nhiệt như sốt, trúng nóng, say nắng mùa hè... hoặc ngược lại bị hạ thân nhiệt như giá rét, tê cóng mùa đông.

Trúng nóng là rối loạn thân nhiệt do môi trường quá nóng

Trúng nóng, sốc nhiệt (heat exhaustion, heat shock) là một dạng rối loạn thân nhiệt bệnh lý hay gặp, thân nhiệt tăng cao hơn bình thường do nhiệt độ môi trường sống cao quá mức thích nghi, quá khả năng “tự làm mát” của cơ thể. Những ngày quá nóng, đặc biệt khi không khí vừa nóng vừa có độ ẩm cao, ngay cả làm những công việc đơn giản cũng có thể bị trúng nóng. Môi trường càng nóng ẩm, lao động càng nặng nhọc, khả năng trúng nóng càng tăng cao.

Thật ra ngoài say nắng (trúng nóng do ra nắng) còn có những trường hợp trúng nóng khác, không liên hệ với ánh nắng như như: làm việc trong hầm lò, đốt củi than trong xưởng nướng bánh, xí nghiệp có đun, đốt... Lúc này, môi trường quanh cơ thể quá nóng, nhiệt lượng tạo ra không có cách tỏa ra ngoài, cấp nhiệt lớn hơn thải nhiệt nên cơ thể bị trúng nóng.

Người trúng nóng sẽ bị rối loạn do mất nước, điện giải và tổn thương trung tâm điều hòa nhiệt độ khiến thân nhiệt tăng cao, khát nước dữ dội, thở nhanh, thở hổn hển, mạch nhanh, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mệt ngất, tái nhợt...

Uống nhiều nước, che tránh nắng

Nước ta là xứ nhiệt đới, nóng và ẩm. Do đó vào mùa hè cần cảnh giác và phòng ngừa khả năng bị trúng nóng ở những người cao tuổi, trẻ nhỏ, công nhân lao động nặng nhọc trong môi trường nóng, độ ẩm cao, làm việc dưới nắng gắt, cụ thể:

* Uống nhiều nước: Nước có vai trò cực kỳ quan trọng như là dung dịch hòa tan, vận chuyển chất, cân bằng thân nhiệt... Mùa nắng cần uống nhiều nước, tốt nhất là nước khoáng, nước trái cây, oresol...

* Tránh nắng và che chắn bảo hộ bằng những cách đơn giản như:

(1) Thay đổi giờ giấc làm việc như nông dân cấy lúa vào sáng sớm, gặt đập lúa ban đêm, công nhân đổ bêtông sáng sớm hoặc chiều tối...

(2) Bố trí làm việc nơi mát, có trần cách nhiệt, có bóng che và

(3) Sử dụng thiết bị bảo hộ như mặc áo phông, áo gió...

Xử trí khi bị trúng nóng

Khi thấy dấu hiệu trúng nóng như tăng thân nhiệt, khát nước dữ dội, thở nhanh, thở hổn hển, mạch nhanh, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, mệt ngất, tái nhợt...cần phải xử lý ngay.

Bốn biện pháp đơn giản làm hạ thân nhiệt càng nhanh càng tốt:

(1) Đưa ngay người bị nạn vào nơi mát mẻ,

(2) Lau mát toàn thân, có thể chườm nước lạnh, nước mát, thậm chí nước đá, cũng có thể giội nước hoặc cho tắm,

(3) Nhanh chóng bù nước và muối khoáng mất đi bằng cách cho uống nước khoáng, nước chanh muối, nước hoa quả, nước oresol và

(4) Nếu chưa thấy cải thiện nhiều hoặc không hiệu quả, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Theo Dân trí
Bình luận
Back To Top